Việt
Kiều về thăm quê
Nguyên Chân
Mấy người? Mấy người?
– Bốn, hai Việt Kiều với hai Việt Cộng!
Đó là câu đối đáp giữa nhóm người vừa bước vào tiệm phở với ông
chủ tiệm. Cách ăn nói ở Việt Nam bây giờ coi mòi tự nhiên và hình như họ không
còn e dè gì nữa.
Về nước, mặc bộ đồ lao động, da được phơi nắng hai ba tuần nám đen
cho giống người trong nước, tôi ung dung ngoắc chiếc xe ôm và oách như người di
cư 54:
– Đi Thủ Đức!
Gió chiều lồng lộng trên xa lộ Biên Hòa, tôi mỉm cười đắc chí, lẩm
bẩm ca bài “Từ bắc vô nam tay cầm bó rau…. đay, còn tay kia… chúng ông dắt con
cầy…”
Chạy ngang khoảng Cát Lái, chú xe ôm bắt chuyện:
– Anh ở lước lào về?
Ô hay, sao lại “lước lào về” xế lày?
Tôi hỏi: – Anh tưởng tôi là Việt Kiều à? Tôi quê ở ngoài Hà Lam
Linh đấy.
Anh nhất định tôi chẳng lừa được anh.
Có đời nào người trong “lước” mà lại ra đường đứng ngẩn ngơ ngó
trời ngó đất, ngó cái bảng hiệu, ngó lùm cây bông giấy và ngó… con gái đi đường,
y hệt đám bộ đội hồi mới vô Nam năm 75!
Anh giải thích thêm:
– Ra đường, cứ thấy ai băng qua lộ mà thập thò như con nít, nắm
tay nhau hai ba người như dân quê lần đầu ra tỉnh, chắc trăm phần trăm họ là Việt
Kiều đấy.
Hôm về quê, vợ chồng tôi ra chợ, cũng được chào đón một câu rất
niềm nở:
– Mời anh chị Việt Kiều mua cho em ít rau.
Tôi ngạc nhiên, nhưng con em giải thích:
– Ai đời vào chợ mà mặt mày ngơ ngáo, chợ quê có ai đi cả hai vợ chồng
như thế, mà có đi chăng nữa cũng người đầu chợ kẻ cuối chợ lo mua đồ mà về cho
sớm, chứ có đâu dẫn nhau đi vô hàng rau, nhìn quả khổ qua, ngó thúng cà pháo,
ngó cả bó rau dền.
Nhớ lúc mới bước xuống phi trường, tôi mắc cười ngay cái bảng ghi
hàng chữ “Tổ Lái”, người đi bên cạnh hỏi nhỏ:
– Cười gì thế?
– Cái bảng ghi Tổ Lái.
– Kệ họ, đó là lối đi dành riêng cho tiếp viên và phi công, mình
đi lối bên này.
Khi về tới đò Vàm Cống gần Long Xuyên, vợ tôi lại chúm chím cười
với hàng chữ: Cụm Phà Vàm Cống.
Thằng em tôi thấy thế nói rằng:
– Ăn thua gì, ở Sài gòn còn có một cơ quan đề là Cụm Cảng Hàng
Không nữa kìa.
Từ đường lộ vào nhà Má tôi còn hai cây số nữa, khi bước xuống đò,
tôi thấy hàng chữ sơn trên một tấm tôn treo toòng teng: Đừng cột ghe xập nhà.
Em tôi lại phải giải thích là nhà làm de ra phía trên sông, nếu
người ta cột ghe vào mấy cây chống sàn nhà, khi tàu lớn chạy ngang sẽ tạo ra sóng
nhồi xóc chiếc ghe, thì nó sẽ giật tung lên và đổ nhà là cái chắc.
Bao nhiêu năm xa nhà, về lại thì cái gì cũng lạ và dễ tức cười, mà
người ở nhà họ cũng cười cái lạ của mình. Tôi ra phố chợ, đặt tiệm da giầy một
cái bao điện thoại theo ý mình, đeo vào, thằng bạn lắc đầu cười:
– Y như cái bao đựng đạn súng lục.
Mặc cái áo sơ mi kiểu Hawaii định ra phố, bà chị nói:
– Trông cậu y như phường tuồng!
Tôi ở Garden City, Kansas, muốn về VN phải lên Wichita để đón máy bay,
lái xe hơn ba tiếng đồng hồ. Khi đi, mùa hè oi ả, mặc chiếc quần ngắn cho nó
mát, lên đến nơi, gặp bạn bè nói chuyện đến khuya, gần nửa đêm chuẩn bị áo quần
để sáng mai ra phi trường sớm mà về VN, lục quần áo mới thấy “sự cố” là không
có cái quần dài nào cả, vội vàng ra chợ Walmart kiếm cái quần vào lúc nửa đêm.
Walmart bán đủ mọi cỡ áo quần, duy chỉ có cỡ của tôi nó lại không bán, cuối
cùng cũng lựa được một cái tạm hài lòng: lưng rộng hơn hai số, bù lại, chiều
dài ngắn đi một số.
Hôm sau tôi mặc vào cảm thấy nó làm sao ấy, nhưng lỡ rồi, mặc đại,
đi đường cứ lâu lâu lại phải ôm nó mà xốc lên vì dây lưng cũng quên tuốt ở nhà.
Về đến SG, bà chị tôi nhìn em thương hại quá, cứ xuýt xoa hoài, tội
nghiệp nó ở Mỹ mà quần áo xốc xếch, xộc xệch!
Trời mùa hè VN nóng thật, con tôi không muốn đi giầy nên tôi dẫn
nó ra chợ Thái Bình mua đôi dép Nhật, tôi định tập cho nó trả giá cho quen. Hỏi
giá thì bà hàng nói 4,500 đồng, thằng bé ngơ ngác không hiểu nên tôi phải thông
dịch từ tiếng Việt qua tiếng Việt:
– Giá bốn mươi lăm trăm đó con, trả giá đi.
Thằng bé nói:
– Đâu cần trả đâu, được rồi, rẻ quá mà.
Những người chung quanh cười um lên, xúm lại coi thằng Việt Kiều
con mua đồ.
Có bữa kia ngồi ở quán cóc đầu ngõ uống cà phê, đứa em thò cổ vô
gọi: – Anh ra đây xem Việt Kiều Con bị đày.
Tôi ngạc nhiên không hiểu nó nói gì, ra xem thì thấy một bà già kè
hai đứa nhỏ khoảng dưới sáu tuổi, ăn mặc có vẻ tươm tất lắm, không biết là đi
nhà trẻ hay ra công viên chơi nhưng mặt tụi nó ỉu xìu.
Thì ra hai đứa bé đó có cha mẹ làm Nail ở Mỹ, không hiểu sao lại
giao chúng về cho bà ngoại nuôi, cả xóm này gọi tụi nó là hai thằng Việt Kiều
Con Bị Đày!
Đổi mới của vn trong 3 tuần thăm quê
Xe đò nằm
Hồi này có một loại xe đò (xe khách) gọi là xe đò nằm. Đi xe này
hành khách không ngồi ghế như xe đò thường, mà được nằm dài ra. Xe có ba dãy giường,
mỗi dãy ba chiếc giường sắt và lại còn chồng lên một tầng nữa, vị chi là 24 cái
giường.
Đây là loại giường hiện đại điều chỉnh được, tựa như giường ở
trong bệnh viện.
Xe có máy lạnh và mở nhạc vàng nghe thoải mái. Mỗi người lên xe
đều được phát một chiếc mền để đắp vì xe mở máy lạnh.
Hành khách mua vé qua điện thoại, tài xế sẽ bốc khách hẹn trước
tại bất cứ khúc đường nào trên tuyến xe sẽ chạy qua.
Xe chạy khá đúng giờ, giá vé cũng tương đối hạp với túi tiền, thí
dụ tuyến Rạch Giá-Vũng Tàu là 125,000 một lượt (chưa tới 8 đô la). Lơ xe rất
điệu nghệ, phục vụ hành khách rất lịch sự và tận tình.
Hôm đó, nằm kế tôi là một cô nhìn dễ thương lắm, nhưng hai giường
lại cách nhau đến nửa thước. Tôi ước ao lần sau họ ghép giường gần nhau hơn, để
hành khách có thể nằm mà dòm nhau, âu cũng là cách rút ngắn thời gian trên
đường dài.
Ai cũng biết xe đò VN có cái tật là hễ thấy khách đón xe thì không
cần biết họ muốn đi tới đâu, anh lơ nhảy xuống kéo ào lên xe, miệng la “Tới
luôn bác tài”.
Chuyến tôi đi, có hai cha con ông kia lên xe, xe chạy một quãng
thì lơ xe mới khám phá ra “có vấn đề”. Ông già có tính tiết kiệm, đặt mua vé có
một giường, mà lại dẫn theo cô con gái.
Ông cãi với lơ xe:
– Hai người ngồi trên giường thì cũng choán chỗ y như một người
nằm chớ gì.
Mặt nạ lịch sự của anh lơ xe bèn rớt xuống, anh ta với ông già xổ tiếng
Đức với nhau một hồi, rồi sau cùng ông già nhượng bộ trả thêm 20,000 để cô con
có thể ngồi ké ở phía cuối giường.
Tôi rất tội nghiệp mà không thể mời cô ngồi qua phía giường tôi,
hoặc là mua cho cô một vé, vì hôm đó tôi đang đi chung với “con gấu yêu dấu” của
tôi!
Ăn uống
Nghệ thuật ẩm thực VN thì quá siêu đẳng rồi, tôi xin không đề cập
đến những chuyện uống máu rắn, ăn bò cạp hoặc trích mật gấu…, mình chỉ làm một
người bình thường ăn những món ăn bình thường.
Bạn muốn xài tiền triệu?
Mời vào tiệm C. Steak House ở đường Đinh Công Tráng (chợ Tân
Định), một miếng T Bone 6oz… giá rất nhẹ nhàng là 250,000 (tiệm này có vẻ kỳ thị
nặng, trên bảng giá đề: Thịt bò Mỹ: 250.000 thịt bò Úc: 225.000, thịt bò nội
địa :180.000)..
Miếng steak ăn vào, nuốt đến đâu, thấy nó nghẹn nghẹn đến đó, vì
giá cả là một, nhưng cũng tại vì nó giống như miếng thịt được bỏ trong
Microwave!
Bạn muốn xài tiền lẻ?
Mời bạn đi ăn cháo lòng bình dân với tôi.
Tôi biết cô bán cháo lòng ở quê, trước 1975 cô thuộc loại sắc nước
hương trời, nhưng hồng nhan đa truân, cô đã kẹt lại. Quán cô chỉ là một cái bàn
làm bằng gỗ tạp nho nhỏ, trên để mấy chai lọ lỉnh kỉnh như muỗng đũa, nước mắm,
ớt… ngang chỗ cô ngồi là một nồi cháo đang sôi ọc ạch đặt trên cái cà ràng lửa
liu riu.
Là khách đặc biệt nên tôi được cô vồn vã hỏi thăm và ân cần đưa
cho một đôi đũa không nằm trên ống đũa “dân gian” trên bàn, cô lau cẩn thận bằng
một miếng giẻ và nói:
– Anh dùng đũa này sạch hơn.
(Đũa của cô có nhiều loại: Sạch, sạch vừa, sạch hơn)
Cháo bán giá từ 3 ngàn một tô, dĩ nhiên khách muốn thêm thịt, thêm
lòng thì sẽ tính thêm tiền.
Tôi ngồi ăn cháo mà ái ngại cho cuộc đời cô, vì cách đây hơn hai
mươi năm, thấy cô đi ngoài đường thì tôi “chỉ nhìn mà không dám nói” vì nghĩ tới
cái thân phận “quản chế” của mình.
Chợt một bà đi ngang phía trước, bà bước bỗng một chân và né sang phía
trái, tôi ngạc nhiên khi thấy động tác của bà nên chú ý nhìn xuống mặt đường
thì – eo ơi một đống phân chó nằm thù lù ở đó. Khiếp đảm, tôi bèn gài tờ giấy
bạc vào dưới tô rồi cám ơn cô chủ quán để dzọt gấp. Dợm đứng lên thì cũng vừa
lúc cánh cửa sắt phía sau lưng cô hàng mở ra, một mùi nồng nặc xộc vào mũi tôi,
thì ra đây là cửa hàng bán phân bón và thuốc trừ sâu rầy, mà cô hàng chỉ thuê
phía trước chái hiên để bán buổi sáng. Khách hàng của cô cứ tự nhiên ăn uống kề
bên những bao phân và những chai thuốc sâu độc hại, có điều mỗi lần xe đò chạy
ngang, bụi tung lên mù mịt nên mùi phân bón cũng vì thế mà bớt đi phần nào!
Cuộc sống xã hội
Hồi thời kỳ “chống Mỹ cứu nước”, cứ “ra ngõ là gặp anh hùng”, còn
bây giờ đến quán cà phê, vô tiệm phở hay lúc đến thăm người quen, đều nghe người
ta nói về những tỷ phú!
Hầu hết là chuyện nhà cửa đất đai, nào là giá một mét vuông đất từ
một triệu vọt lên năm triệu, mà có người sở hữu đến dăm ngàn mét vuông; lại
nghe ông kia mua một miếng đất năm bảy chục ngàn cách đây mấy năm, bây giờ nếu
bán cũng được ít nhất hai ba tỷ!
Tôi đang ngồi ở quán cà phê, một anh cò đất xề tới gạ:
– Bên kia có miếng đất 3 ngàn mét, nếu anh trả chừng 500 ngàn một
mét (một tỷ rưỡi) nó bán ngay, bảo đảm với anh, chỉ tháng sau là anh sẽ bán được
3 tỷ, nếu không dô mánh như vậy, thằng này xin làm con anh.
Trời ơi, nhìn cặp mắt láo liên của nó, tôi đã ngán rồi, nó lại còn
xin làm con tôi nữa thì xin chạy mất dép.
Cứ chỉ nghe nói không thôi, thì tiền ở VN sao dễ kiếm quá.
Vậy mà hễ cứ “giúp vốn” cho đứa cháu nào, thì cứ y như rằng năm
sau cụt vốn, nó nói “Làm ăn ở VN bây giờ khó lắm chú ơi! Chú ở xa không biết
…”. Tôi quát lên:
– Làm ăn ở đâu không khó? Chỉ có nằm ngửa ăn sẵn mới dễ thôi.
Hôm tôi lại nhà người thân, anh đã đặt cọc để mua một miếng đất 40
ngàn đô, thì có một anh bá vơ chạy xe tới đưa cho coi một bản đồ qui hoạch, mà
trong đó chỉ rõ miếng đất kia đã bị qui hoạch làm công viên và nhà thể thao.
Anh ta nói:
– Thấy anh tính mua thì thương mà báo cho biết vậy, mai mốt có mất
đất thì đừng trách là thằng em không báo trước.
Trời ạ, bây giờ còn biết tin ai ? Lên hỏi Địa Chính thì họ cũng
trả lời mờ ớ. Hay là thằng cò kia nói thế để mình nản, đi mua miếng đất của nó
ở chỗ khác (?).
Bên cạnh những người nói chuyện tiền tỷ, thì lại có những cảnh lầm
than quá sức.
Gia đình tôi có làm bữa tiệc đãi bà con họ hàng lối xóm nhân dịp
chúc thọ mẹ tôi được 90 tuổi. Sau bữa tiệc, có một số lon bia bán ve chai. Tôi
thấy con cháu gọi chị mua đồ nhôm vô, hai người nói gì đó rồi chị ta tất tả ra
đi, và khoảng hai giờ sau trở lại. Chị nhờ tôi phụ đếm số lon bia đã uống hết,
chứa trong mấy cái thùng giấy. Tôi hỏi:
– Chị tính đếm từng lon hay sao?
– Dạ, vì mỗi lon giá đến 200, nếu lộn thì lỗ.
Tôi nhìn đống lon bên trong chứa lẫn lộn tàn thuốc lá lẫn xương
gà.
– Con cháu tôi nói với chị là bao nhiêu lon?
– Dạ cô nói là 24 két, mỗi két 24 lon, nhưng chắc không còn đủ vì
có nhiều người uống rồi lấy luôn lon.
– Hồi nãy thấy chị vô rồi đi luôn, tưởng chị không mua.
– Dạ không có, tại không đủ tiền nên phải về vựa vay thêm.
– Vựa ở đâu? Vay như thế nào?
– Dạ cũng gần, cách đây 5 cây số, đi xe ôm có ba ngàn đồng hà, vay
rồi chiều về bán lại, trả họ tiền lời.
– Sao hồi sáng chị không đem về bán cho họ rồi mai đem tiền vô
trả?
– Dạ sợ cô nhỏ không chịu.
Tôi thấy chán đời cho cô quá, tính ra số tiền chưa tới trăm ngàn,
nếu không ngồi đếm với cô thì có vẻ bất nhẫn, mà ngồi đếm đống lon hôi rình đó
thì tôi chẳng hào hứng tí nào. Tôi nói:
– Thôi, khỏi đếm nữa, cô cứ đưa cho con nhỏ 20 ngàn thôi, thiếu
bao nhiêu tôi bù.
Cô ngước lên nhìn tôi rồi ứa nước mắt nói nhỏ:
– Cám ơn anh.
Vừa lúc đó mẹ tôi bước ra hàng hiên vì có tiếng người đàn bà la
chói lói ở phía trước bờ sông, rồi một người chạy như bay vô sân:
– Cứu mạng! Cứu mạng! Bà ngoại ơi, ngoại có thuốc gì cho đứa con
của con mấy viên, không thôi nó chết.
Mẹ tôi hỏi:
– Con chị bị đau gì mà đến nỗi chết? Mà tôi đâu biết thuốc gì mà
cho.
– Dạ, nó đang giựt đùng đùng dưới ghe kìa, hông có thuốc chắc nó
chết.
Tôi xen vào:
– Ở nhà chỉ có thuốc cảm thôi chứ có thuốc gì mà cho, sao chị
không đưa nó lại Trạm Y tế coi.
– Dạ thuốc cảm cũng được chú Hai, ở Trạm Y Tế họ đâu có cho cái gì
đâu.
– Tôi chỉ có thuốc cảm người lớn thôi chứ không có thuốc con nít.
– Dạ chú Hai cho con đi, con dìa bẻ làm hai cho thằng nhỏ uống
cũng được mà.
Tôi vô lục túi lấy chai thuốc Tylenol đưa cho chị nhưng vẫn ngần
ngại nói:
– Thuốc này là thuốc người lớn, tôi sợ con chị uống không hạp.
Chị ta sợ tôi đổi ý nên chụp vội chai thuốc trên tay tôi rồi nói:
– Dạ không sao đâu, con cho nó uống mỗi lần nửa viên.
Những người thợ gặt mướn tạm trú bên bờ kinh, hay ngủ dưới ghe, họ
ra ruộng từ khi còn tối trời, mang theo cả đứa con mới sanh chưa đầy tháng,
thằng bé nằm chổng chân ngọ ngoạy trong cái thúng, phơi nắng cả ngày mặc dù có
tấm mủ cao su che phất phơ trên đầu, chắc là đang tập làm Chúa Hài Đồng nằm
trong máng cỏ ngày xưa. Thỉnh thoảng nó khóc ré lên thì bà mẹ chép miệng:
– Chắc thằng nhỏ bị kiến lửa chích!
Cô em gái tôi kể một chuyện khó tin nhưng có thật:
Thằng bé mười ba tuổi vào nhà bà ngoại với chiếc giỏ đeo toòng
teng trên ghi đông xe. Bà già hỏi:
– Mày có cái gì đem vô cho tao đó Tèo?
– Dạ không có gì cho ngoại hết, má con nói đem em con vô nhờ ngoại
chôn giùm!
Thì ra má nó nghèo quá không có đất chôn con, nên mới bỏ đứa nhỏ
vô cái bị cói, kêu nó đem vô nhờ bà ngoại chôn.
Thương quá em bé Việt Nam
Ăn sáng ở lề đường Phan Thanh Giản, một em bé chừng mười hai mười
ba tuổi cứ quẩn quanh mời tôi mua vé số, gương mặt và ánh mắt trông rất tội nghiệp.
Tôi từ chối vài lần vì biết nếu mình mua của em này, thì vô khối người khác sẽ
đổ xô vào mời mua thì rất kẹt, nhưng khi nhìn đến ánh mắt van lơn của em, lòng
thương người rất hiếm hoi của tôi nổi dậy, tôi muốn mua giúp em để hôm nay em
có thể về sớm một bữa. Tôi hỏi:
– Bình thường em bán đến mấy giờ thì hết xấp vé số này?
– Dạ thường thì ít khi hết lắm, nhưng nếu còn dư thì em phải đem
về trả cho đại lý trước 3g chiều, nghĩa là trước khi xổ số.
Em nói từ sáng tới giờ mới bán được có 3 tấm, còn lại 97 tấm. Tôi
kêu em đếm lại coi còn bao nhiêu tấm tôi mua hết cho, để hôm nay có thể về nhà
nghỉ. Trong lúc tôi ăn thì em ngồi đếm từng tờ và nói còn đúng 97 tấm, giá 5
ngàn 1 tấm, vị chi là 485 ngàn. Tôi móc 500 ngàn ra đưa luôn, nói khỏi thối.
Thằng bé sung sướng nói cám ơn rồi lách vào dòng người xuôi ngược
trên phố đông nghẹt những xe và người.
Đúng là: Sáng nay tươi hồng, trời không có mây… tôi tiếp tục bữa
ăn sáng tuyệt vời.
Ở Mỹ mỗi lần mua vé số dĩ nhiên tôi mong mình trúng, mà trúng là trúng
lớn để tôi có thể điềm nhiên lật ngửa cái xe cà tàng của tôi lên mà đốt, tuy nó
có vẻ hơi bạc bẽo, nhưng để giã từ cái sự không sung sướng của kiếp nghèo, nếu
không trúng đi nữa thì âu cũng là mua một niềm vui trong chốc lát, vì đời chỉ
vui khi có hy vọng.
Đọc bài essay của một sinh viên nói về mua vé số, tôi thấy cũng có
lý, vé số giúp cho mọi người trúng.
Này nhé: Ngân sách nhà nước hưởng 40%, người bán lẻ và giới quảng
cáo 20%, người trúng hưởng 40% .. và ngay cả chúng ta cũng trúng luôn vì ta chỉ
bỏ ra có mấy đồng, mà mua được niềm hy vọng, rẻ quá đi ấy chứ.
Những tín đồ các tôn giáo đã bỏ ra bao nhiêu tiền của, cũng chỉ là
mua lấy một hy vọng mai sau có về cõi trời được hơn người khác, mà niềm hy vọng
này chưa được ai kiểm chứng cụ thể cả, còn mua vé số thì có người trúng thật
rồi.
Hoan hô những người mua số như tôi là những người thông minh.
Lần này mua số ở VN, tôi lại thêm được cái lợi nữa là làm cho một
em bé dễ thương vui được một ngày.
Ông Trương Quang Nhơn viết bài kể chuyện ông bị thằng đánh giầy
lấy đinh đục cho thủng giầy rồi đòi tiền vá. Tôi nghi ông này vẫn còn thù Cộng
Sản nên đặt chuyện viết “linh tinh”.
Buổi chiều về nhà, tôi móc xấp vé số ra cho các cháu, tụi nó đang
ồn ào chia chác thì có đứa hỏi:
– Bác mua bao nhiêu tấm?
– Thằng nhỏ biểu là 97 tấm.
– Bác có đếm không?
– Đếm làm gì?
– Thế thì bác bị nó lừa rồi, chỉ có 75 tờ thôi bác ạ.
Tôi suy nghĩ và tội nghiệp cho thiếu niên VN bị thất học, ngần ấy
tuổi rồi mà đếm có mấy chục tấm vé số hãy còn sai.
Bọn nhóc trong nhà vừa cười vừa la:
– Ê, bác Việt Kiều bị thằng bán vé số nó lừa!
Tôi phân vân: Không lẽ thằng nhỏ đó nó nỡ lừa tôi, mà sao nó nghĩ
cái kế lừa tôi mau như vậy được. Có lẽ nó đã lừa nhiều quả như vậy rồi.
Người xưa lối cũ
Có người về VN thăm thắng cảnh quê hương, có người về kiếm thế
hưởng thụ ăn chơi, cũng có người về vì tình cảm sâu đậm đối với thân nhân bạn bè
năm cũ, thoáng đâu đó, có người tìm về để ôn lại một mối tình xưa.
Tôi theo người bạn đi đến nhà người xưa của nó. Bước chân vào con
hẻm cụt có bóng mấy cây khế rợp mát, chân nó bước líu ríu như lê không nổi. Đến
trước căn nhà có cây ngọc lan tỏa bóng, thấy có người đàn bà đang quét lá, tôi
với tay bấm chuông, chứ thằng Thịnh như người mất hồn. Người đàn bà hỏi:
– Hai ông kiếm ai?
Thịnh buột miệng nói liền:
– Thưa bác, cô Hằng có ở nhà không ạ?
Người đàn bà vừa mở cổng vừa ngờ ngợ:
– Anh là ai mà biết Hằng?
– Trời ơi, bác không nhớ cháu hay sao? Cháu là thằng Thịnh hồi
trước đây có kèm cho Hằng lúc cô thi Tú Tài đó.
Cây chổi rớt xuống đất cái xẹp, hai tay bà ôm chầm lấy Thịnh và
tiếng khóc oà ra:
– Trời ơi anh Thịnh, em là Hằng đây mà.
Thì ra qua hơn 30 năm, Hằng ngày xưa nay đã hơn 50 rồi. Thời gian
nó tàn phá chẳng chừa một ai.
Hôm tôi về Rạch Giá, vừa bước xuống con đò ngang thì đã có cả hơn chục
người đứng ngồi dưới đò, ai cũng đưa mắt nhìn tôi, miệng cười cười như chào
hỏi, nhưng tôi không nhận ra mặt ai quen, bỗng có một người đàn ông chừng 50
tuổi nhưng tóc còn loe hoe có mấy sợi phất phơ trước gió, vồn vã:
– Anh mới về chơi ạ, anh còn nhớ em không?
Đầu óc tôi bây giờ tây ta lẫn lộn, chỉ nhớ mang máng hình như anh
này là Khanh Khờ. Và để tỏ ra là người nhiều tình cảm, chẳng bao giờ quên anh
em bạn bè, tôi tiến tới vỗ vai rồi cả quyết:
– Quên thế chó nào được, cậu là thằng Khanh Khờ đây mà!
Nguyên cả chuyến đò cười ngặt nghẹo, có người ôm bụng rũ xuống
cười suýt rớt xuống sông. Tôi sượng trân, còn người đàn ông kia nói như than:
– Em là Đĩnh đây, nhưng mà thằng Khanh mới bị khờ, còn em thì bình
thường mà anh.
Tôi chỉ còn biết xin lỗi anh ta vì cái tài nhớ dai của mình.
Về đi lại trên bờ con kinh xưa, tôi gặp một thiếu phụ bồng con
trên tay, thôi đúng là người vợ của bạn tôi rồi, tôi xăng xái hỏi:
– Xin lỗi, chị là chị Độ phải không? Anh chị hồi này khoẻ chứ?
Cô ta ngơ ngác vài giây rồi lí nhí: – Dạ thưa, Độ là tên của bố mẹ
cháu ạ.
Ôi! Từ Thức về trần, tôi quên béng đi là mình đã xa quê hương một
thế hệ rồi.
Ngày còn nhỏ, thập niên 50, tôi thường nghe bản Gạo Trắng Trăng
Thanh khi nghe tiếng cắc cụp đều đều ở quê tôi, vùng suối rừng Thủ Dầu Một. Người
dân vần công giã gạo cho nhau, cũng là dịp trai gái hẹn hò gặp gỡ qua công việc
và lời ru tiếng hát:
“Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường
mênh mang. Ai đang xay, chày buông lơi nghe tiếng vơi tiếng đầy “.
Bây giờ không còn cảnh giã gạo đêm trăng nữa, nhưng bạn tôi, một
ông Pilot 69A – Ông Đông Nguyên (thi sĩ Điên Ngông) – cũng trong tâm trạng Từ
Thức về trần như tôi, nặn ra được một bài thơ có thể làm Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ
phiền lòng:
Ta về giã lại cối xưa
Nửa đêm trăng tỏ bóng dừa ngả nghiêng
Thấy trong gạo trắng ưu phiền
Thương em hạt gạo còn nguyên nỗi buồn
Vận nước xoay vần, có những người đi xa, có những người còn ở lại,
bài Tình Già của Phan Khôi sao mà thấm thía quá thể:
Hai mươi bốn năm xưa
Một đêm vừa gió lại vừa mưa
Dưới ngọn đèn mờ trong gian nhà nhỏ
Hai mái đầu xanh kề nhau than thở…
Để rồi:
Hai mươi bốn năm sau
Tình cờ QUÊ CŨ gặp nhau
Đôi mái đầu đều bạc
Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được…
Người ta nói “Quê hương là chùm khế ngọt”, ngọt như vần điệu ca
dao và ngọt như nụ hôn người tình.
Vài vần thơ lạc điệu, xin gửi cho ai có những kỷ niệm khó quên của
cây khế quê nhà:
Năm xưa có cây khế ngọt
Quả non đeo nhẹ trên cành
Tay trần anh đưa muốn hái
Em cười: Khế hãy còn xanh
Hôm nay anh cầm trái khế
Muốn cắn vào năm cánh hồng
Nhưng rồi nâng niu tay khẽ
Ôm ấp chuyện xưa vào lòng…
Nguyên Chân
__._,_.___