IV.
Lời kết: Lựa chọn gì?
Cả 5 lần lựa chọn sai của nước ta như đã nêu trong phần mở đầu của
bài này đều có chung nguyên nhân là hiểu sai sự vận động của thời cuộc thế giới
và không tạo ra cho đất nước khả năng vươn lên thực hiện sự lựa chọn đúng mà
đất nước lẽ ra phải lựa chọn. Hội nhập quốc tế và cạnh tranh kinh tế đã bước
vào cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và trong tình hình kinh tế tri thức đạt mức
độ cao mới.
Trong khi đó đất nước ta đứng trước đòi hỏi vừa phải đi vào một
thời kỳ phát triển mới sau 30 năm đổi mới (kết thúc thời kỳ phát triển theo
chiều rộng để chuyển sang thời kỳ phát triển theo chiều sâu), vừa phải thay đổi
triệt để nhằm đối phó và thích nghi được với những thách thức và đòi hỏi mới
toàn cầu, đồng thời phải làm sao vận dụng được cơ hội mới chưa từng có.
Thực tế khách quan này đối với nước ta đang nóng bỏng hơn bao
giờ hết.
Nhận diện đúng thực tế khách quan đối nội và đối ngoại của đất
nước là điều kiện tiên quyết phải có để có thể lựa chọn đúng. Xin trình bày lần
lượt dưới đây.
Những thành tựu thực chất đất nước đã giành được 30 năm qua cho dù
to lớn hay vỹ đại đến như thế nào đi nữa, thực
tế khách quan nước ta hôm nay phải đối mặt vô cùng quyết liệt.
Đấy là:
1- những thách thức từ bên ngoài – do sự de dọa đến từ
chiến lược Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông hiện nay đi xa tới mức đẩy nước ta
đến bên miệng hố chiến tranh, tiếp tục xâm phạm chủ quyền biển đảo của ta, uy
hiếp nghiêm trọng an ninh biển của đất nước nói riêng và tiền đồ phát triển của
đất nước nói chung (chưa nói đến vấn đề nước đầu nguồn sông Mekong); do cạnh
tranh kinh tế chưa từng có trong giai đoạn hội nhập mới hiện nay (các FTAs,
AEC, TTP…); do những đòi hỏi mới đặt ra cho Việt Nam phải tự vươn lên với tính
cách là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đối với các đối tác ta đã cam
kết, vân vân..;
2- những thách thức bên trong: những bất cập và tha
hóa đang tồn tại trong chế độ chính trị, những hệ lụy trầm trọng của một quá
trình phát triển 30 năm có nhiều sai lầm và yếu kém – đặc biệt là trong lĩnh
vực giáo dục và phát triển con người…; kết cấu hạ tầng có quá nhiều bất cập và
ách tắc, môi trường tự nhiên bị tàn phá đến mức báo động; thiên tai hạn hán,
lụt, nhiễm mặn, thiếu nước ngọt ngày càng khốc liệt – trong đó còn có nguyên
nhân 30 năm qua phát triển theo lối bóc
ngắn cắn dài, hôm qua ăn ốc nhưng hôm nay và ngày mai phải đổ vỏ!…;
kinh tế đất nước hiện nay đang có nhiều vấn đề nhạy cảm như nợ, tệ nạn tham
nhũng và lãng phí, bất công và phân biệt giàu nghèo quá lớn; đạo đức xã hội tha
hóa trầm trọng, lòng người phân tán..; tư tưởng nhiệm kỳ và tính cát cứ trong
làm ăn kinh tế của chế độ đã để lại nhiều hậu quả rối rắm, tình trạng lạc hậu
và tụt hậu, đồng thời không chuẩn bị cho đất nước được bao nhiêu những điều
kiện phát triển mới mà thế giới hôm nay đòi hỏi, v.v.,
3- những mối nguy từ phía cầm quyền: chú trọng bảo tồn
quyền lực cai trị (lo sợ mất chế độ) – đến mức hầu như chịu bó tay trước mọi
thách thức và cơ hội, chạy theo số lượng và thổi phồng “thành tựu” hoặc cố tình
chỉ so ta hôm nay với ta hôm qua – nhưng lại coi nhẹ chất lượng của phát triển
– để tự mê hoặc và ngu dân; cố mài quá khứ ra mà sống để biện minh cho cái gọi
là kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó không biết bao nhiêu tiềm
năng phát triển của đất nước bị kìm hãm hoặc thui chột. Hệ quả chung ai cũng
thấy: 30 năm vừa qua Việt Nam đã phát triển dưới khả năng và
những thời cơ của mình cho phép, người ta gọi Việt Nam là nước không chịu phát
triển…
4- Trên tất cả là sự toàn trị của chế độ chính trị đã
bóp chết tinh thần quật khởi dân tộc cần phải có cho sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc. Đây có lẽ là hậu quả trầm trọng nhất của con đường 30 năm kiên trì
định hướng xã hội chủ nghĩa! – vào giữa lúc đất nước ta hôm nay đang cần hơn
bao giờ hết tinh thần quốc gia khởi nghiệp cho thời kỳ phát triển mới của đất
nước trong một thế giới đã hoàn toàn thay đổi.
Đất nước hiện nay lâm vào tình
trạng vừa thiếu trí tuệ vừa thiếu ý chí thực hiện hòa giải và đoàn kết dân tộc
để dấy lên sức mạnh đổi đời đất nước. Giới lãnh đạo và đội ngũ trí tuệ hiện nay
của hệ thống chính trị không đủ ý chí, phẩm chất và năng lực vạch ra cho đất
nước một con đường như vậy. Về nhiều mặt đất nước đang biến thành đất
nước đi làm thuê và đất nước cho thuê. Nhân dân ngày càng mất lòng
tin vào Đảng và chế độ, thậm chí xuất hiện tâm trạng mất phương hướng… Chưa bao
giờ tinh thần yêu nước và lòng tự trọng của chúng ta bị nghèo, hèn và tha hóa
xúc phạm như hiện nay!
Cần
nhấn mạnh những yếu kém chủ quan của ta là kẻ thù số một của đất nước ta, có
nguy cơ đẩy đất nước vào sụp đổ hỗn loạn, biến Tổ quốc Việt Nam của chúng ta
thành con mồi lý tưởng cho giấc mộng Trung Hoa.
Sống trong thế giới hôm nay, việc đầu tiên nước ta cần lựa chọn
ngay là phải can đảm nhìn thẳng vào những yếu kém của
chính mình, quyết thoát khỏi trạng thái đang mê ngủ hiện nay!
Xin gọi đây là sự lựa chọn đầu tiên
(Xin lưu ý Đảng nói nhiều về tự phê bình và phê bình, nhưng chưa một lần tự phê
bình và phê bình với ý thức như vậy về những yếu kém chủ quan này).
Một đặc điểm nổi bật trong cục diện thế giới hiện nay là: Những
rối loạn của tranh chấp quyền lực đang diễn ra và những đòi hỏi của phát triển
kinh tế thế giới tạo ra tình huống là: hòa bình, ổn định và phát triển ở khu
vực Đông Nam Á đang rất cần một Việt Nam phát triển, đứng vững chắc trên đôi
chân của mình, góp phần xứng đáng vào việc hình thành một ASEAN vững mạnh! Một
Việt Nam như thế là đóng góp không thể thiếu cho cuộc sống toàn vùng và ngoài
khu vực. Chính vì lẽ này, chứ không phải ngẫu nhiên lần đầu tiên trong lịch sử
của mình Việt Nam có được hầu hết các quốc gia quan trọng trên thế giới cam kết
trở thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.
Thực tế khách quan đang nói tới này (thực tế
khách quan thứ 2) đặt ra đòi hỏi thứ 2 vô cùng bức thiết. Đó là: Việt Nam phải
vươn lên có sức mạnh toàn diện để tự thân trở thành đối tác chiến lược hay đối
tác toàn diện có thực chất. Đơn giản vì không thể vỗ tay bằng một bàn tay.
Một
Việt Nam yếu kém sẽ chỉ tạo ra quan hệ đối
tác một chiều; mà như thế dù có tên gọi mỹ miều như thế nào đi nữa,
một đối tác chiến lược Việt Nam yếu kém chỉ có thể là một kẻ
ăn xin – như chúng ta đang xin được công nhận là kinh tế thị
trường, xin có thêm ODA, xin các ưu đãi khác!… Thực tế khách quan thứ 2 này (có
nhiều đối tác chiến lược hầu như khắp thế giới) là cơ hội ngàn năm có một, để nước
ta thoát khỏi lời nguyền địa lý đã hơn 2 thế kỷ nay hành hạ dân tộc ta – kể từ
khi có nước Việt Nam hoàn chỉnh như hôm nay, bắt đầu từ thời Gia Long.
Người Việt Nam chúng ta hôm nay ai không biết con đường lận đận
đất nước đã đi trong hơn hai thế kỷ vừa qua, những gì đã trải qua thời thuộc địa,
bao phen bên ngoài đã biến đất nước ta thành trận địa để chia cắt tranh giành
nhau, đã gây ra trên nước ta cảnh dân tộc ta tay trái chém tay phải, vết thương
dân tộc đến hôm nay vẫn chưa lành…, bao nhiêu cơ hội phát triển của đất nước bị
cướp mất, ta tự đánh mất!?…
Sự lạc hậu, tụt hậu và ngu dốt hôm nay đất nước
đang phải chịu đựng cứ chồng chất lên mãi. Cái thòng lọng của tham vọng bá
quyền giấc mộng Trung Hoa trên Biển Đông kề kề bên cổ… Người Việt Nam chúng ta
hôm nay ai không hiểu chặng đường lịch sử đau khổ hơn hai thế kỷ này của đất
nước?! Ai không nhìn ra hay không muốn nhìn ra đất nước hôm nay đang đứng trước
cơ hội ngàn năm có một?!.
Trong thế giới hôm nay, sự
lựa chọn thứ 2 đang đặt ra cho nước ta không phải là vấn đề theo
ai? chống ai?,
mà là cả nước nhất quyết phải đứng lên lựa chọn con
đường giải thoát Tổ quốc chúng ta ra khỏi lời nguyền địa lý,
không cam chịu thân phận nước bên thứ ba cho
thiên hạ giằng xé, không chấp nhận một lần nữa làm chư hầu hay nô lệ!
Đây là
con đường duy nhất để nước ta có thế và lực để được chấp nhận là láng giềng
bình đẳng, được tôn trọng, xây dựng được quan hệ hữu nghị đời đời với Trung
Quốc. Tương lai cũng đòi hỏi nước ta phải đời đời giữ được vị thế này trong
quan hệ Việt – Trung! Xin được đặt tên cho sự lựa chọn thứ 2 này: Quyết
thoát khỏi lời nguyền địa lý.
Để thực hiện được 2 lựa chọn nói trên, phải thực hiện đòi hỏi thứ
3: Đất nước phải học lại tất cả vì đã học quá nhiều cái không đúng; bây giờ phải
học những cái chưa được học, để từ đó đổi đời chính mình và thay đổi đất nước.
Có thể nói đến mức, nếu phải tìm ra cái gì là nguyên
nhân đầu tiên, nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho đất nước
bị tụt hậu, bị kìm hãm như hôm nay, câu trả lời xin đưa ra trong bài viết này
là: Sự thất học!
- Dám nói Việt Nam hôm nay thất học?
Việt Nam với nghĩa ở bình diện quốc gia, Việt Nam là cả nước? Dám nói câu trả
lời này là chung cho mọi người Việt Nam trong cả nước!?…
- Vâng. Đúng như thế! Là cả nước, không
loại trừ một ai! Thất học trước hết với nghĩa không được học cái phải học. Mặc
dù 40 năm qua nước ta đã mất rất nhiều công của và thời gian cho việc học,
nhưng vẫn thất học. Bởi vì đến nay chỉ được học quá nhiều cái sai, học cái lạc
hậu thế giới đã vứt bỏ, trong khi đó có nhiều cái khác lẽ ra phải học thì lại
bị coi là diễn biến hòa bình, là
của các thế lực thù địch…
Thất học bởi vì người
trong cả nước có chứng chỉ các loại, có học vị và bằng cấp cao… vô cùng nhiều,
có lẽ nhiều nhất thế giới tính theo tỷ lệ dân số, nhưng đất nước vẫn nghèo và
lạc hậu tiếp…
Thất học với nghĩa học cái phải học nhưng học không thủng, nhất
là không học được để thấu hiểu nỗi nhục của đất nước: bên trong phải chịu đựng
quá nhiều yếu kém, bất công, dối trá và tha hóa, bên ngoài thì độc lập và bờ
cõi quốc gia bị xâm phạm…
Thất học với nghĩa không được học hoặc không học đủ
để có bản lĩnh và kiến thức nhận ra sai trái, cách khắc phục các sai trái… –
của chính mình và trong cả nước, để dám nói thật, được nói thật…
Thất học vì không
biết hay không dám thực hiện quyền của mình bảo vệ cái đúng, quyền chống cái
sai… Thất học với nghĩa không được học, hoặc là học không được, hoặc là học
không vào để giải quyết được vấn đề Trung Quốc của Việt Nam – một trong ba thất
bại chiến lược của nước ta trong 40 năm qua[18]!
Thất học
với nghĩa không được học những điều nhất thiết phải học, phải biết mà sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh thế giới hôm nay đòi hỏi… Trên hết cả
là thất học với nghĩa chúng ta không được học, học không vào, hoặc là học chưa
đủ, để dám đứng lên làm người tự do!.. Mà để sống, chúng ta nhất thiết phải làm
người như thế.
Để rồi với tính cách là người tự do như thế, chúng ta còn phải
học dân chủ, hòa giải, đoàn kết với nhau, “Mỗi
người vì mọi người! Mọi người vì mỗi người!”, sống với nhau lấy chữ
tín và thượng tôn pháp luật làm trọng, tất cả dám vượt lên cái bóng của người
đi trước theo tinh thần “con hơn cha là nhà có phúc!”,
cùng nhau xả thân phấn đấu vì hạnh phúc của chính mình, vì sự cường thịnh và
vinh quang của Tổ quốc!
Học để ngay trước mắt là tìm được cho đất nước lối ra
khỏi khủng hoảng hiện nay (đang hội tụ nhiều vấn đề nóng bỏng như kinh tế,
chính trị, thiên tai, đối ngoại…) và giải pháp vấn đề Trung Quốc… Học để ngay
hôm nay quyết chí lát bằng được những viên gạch đầu tiên cho con đường mới đất
nước phải đi… Học để làm cho một ngày nào đó “Made
in Vietnam” sẽ là một thương hiệu được công nhận trên thế giới…
Học vì còn nhiều cái thất học khác nữa phải khắc phục… Tựu trung lại, thất học
với nghĩa không được học, hay là chưa được học đủ, hoặc là học chưa đủ…, để dám
làm người – những con người mà Tổ quốc Việt Nam chúng ta đang rất cần trong thế
giới hôm nay, để mỗi công dân Việt Nam cũng sẽ là một công dân thế giới với đúng
nghĩa!
Nhiệm vụ tìm đường đổi đời chính mình và thay đổi đất nước nên bắt
đầu từ khắc phục cái thất học này. Đây là việc bắt buộc phải làm, để mỗi chúng
ta và cả nước có thể thành công với cái giá phải trả tiết kiệm nhất. Thiết
nghĩ, dám học như thế, mỗi người dân chúng ta – dù thân phận và địa vị xã hội
nào, chính kiến gì, tôn giáo nào, đảng viên hay không đảng viên… – sẽ vạch ra
được cho mình chương trình hành động làm chủ bản thân và làm chủ đất nước.
Mỗi người dân học được như thế, muốn hay không ĐCSVN cũng sẽ phải thay
đổi. Học như thế là để cả nước cùng nhau bắt tay với ý thức cao nhất vào sự
nghiệp đổi đời chính mình và thay đổi đất nước, nhằm
thực hiện sự lựa chon thứ 3:
Đấy là tiến hành cuộc cải cách toàn diện và triệt để chế độ chính
trị hiện nay, giải phóng mọi tiềm năng phát triển của đất nước – với lộ trình và bước đi của trí tuệ
và ý chí quyết đưa đất nước ta thoát khỏi lời nguyền địa lý. Sống hay là chết –
to be or not to be!
Dấy lên tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam ta trong thế giới
hôm nay, bắt đầu từ dấy lên trong cả nước tinh thần học tập như thế để mỗi
người tự thay đổi chính mình và cùng nhau đổi đời đất nước, quyết tiến hành
cuộc cải cách chưa từng có để mở đường đưa nước ta trở thành đất
nước của những người có học, thành
nước phát triển – chứ không phải là đất nước đi làm thuê, đất
nước cho thuê như hiện nay!
Còn khát vọng nào cháy bỏng hơn đối với mỗi người Việt Nam chúng
ta sống trên đời này!? Còn gì khác nữa, chủ nghĩa nào, lý tưởng nào, có thể tạo
ra trong cả nước ta và trong toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ta sống trên
thế giới này sự quần tụ triệu người như một vì khát vọng này!?
Xây dựng một chế độ chính trị được lòng dân có khả năng phát huy 3
yếu tố làm nên sự phồn vinh và thực lực bất khả kháng của quốc gia là tự
do, dân chủ, quyền sở hữu, Tổ quốc Việt Nam chúng ta trong bối
cảnh thế giới hôm nay đang hội đủ những điều kiện quốc gia và quốc tế quan
trọng nhất cho mục tiêu chiến lược:
Giải phóng đất nước mình thoát khỏi lời nguyền địa lý, tạo ra năng lực tự mình
viết ra cuộc chơi cho mình vì sự tồn tại và phát triển của chính mình, có lợi
cho hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực, và qua đó nước ta dấn thân
cho lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Điều kiện
tiên quyết là phải có trí tuệ và ý chí xây dựng và tiến hành được đường lối đối
ngoại cho sự lựa chọn này dựa trên nền tảng các mặt trận kinh tế, nội trị và
đối ngoại của quốc gia nhất thiết phải hài hòa đứng chung trên một chiến tuyến
duy nhất và thống nhất cho mục tiêu tự tạo ra cuộc chơi cho chính mình. Đây là
sự nghiệp phấn đấu tổng lực của toàn dân tộc, đời này sang đời khác, không ít
hy sinh gian khổ, còn khó hơn nhiều lần so với những quá trình trường kỳ kháng
chiến chống ngoại xâm nước ta đã trải qua.
Đáng chú ý là trong thế giới hôm nay các nước
nhỏ ý thức được chính mình đều có cơ hội giành lấy vai trò làm chủ chính mình
như vậy[19].
Lấy tinh
thần yêu nước vực quốc gia đứng dậy, quyết nắm lấy các giá trị chung của nhân
loại tiến bộ để phát triển quốc gia mình và dấn thân cùng đi với cả thế giới – đây chính là con đường sống của đất nước. Dù
có hay không có TTP, các FTAs hay là AEC.., Việt Nam vẫn phải tự mình đứng lên
chủ động chọn cho mình con đường này. Không
muốn làm đe thì phải làm búa có nghĩa là như vậy! Tất cả bắt đầu từ
học.
Dấy lên và tìm đường thực hiện khát vọng thoát khỏi lời nguyền địa
lý nêu trên của dân tộc Việt Nam ta, đấy chính là nội dung, là tinh thần của ngọn
cờ lãnh đạo đất nước Việt Nam hôm nay!
♦
Trên đây là 3 lựa chọn bài viết
này xin kiến nghị với đất nước.
Xin nói thêm, trong loạt bài viết suốt 2 năm qua (2014 – 2015 –
xem thêm mục Tài liệu tham khảo cuối
bài này) mang tính kiến nghị với ĐCSVN về Đại hội XII, tôi đã trình bày nội
dung chính của nhiệm vụ cải cách chính trị này, phân tích sự cần thiết và khả
năng khả thi của nó trong bối cảnh của đất nước, của khu vực và quốc tế hiện
nay.
Trong những bài này tôi cũng cảnh báo hiểm họa đối với đất nước, đối với
ĐCSVN nếu trốn tránh nhiệm vụ cải cách chính trị. Xin bạn đọc và Hội thảo tìm
hiểu trong các tài liệu tham khảo và trên mạng để tiết kiệm thời gian.
Sự thật là 2 năm nay tôi phải đối mặt với nhiều câu hỏi khó mỗi
khi bàn đến chủ đề Đất nước lựa chọn gì?
Gay cấn nhất là những câu hỏi:
- ĐCSVN
có phẩm chất và năng lực tiến hành nhiệm vụ cải cách chính trị này không?
- Trước khi trả lời câu hỏi này, có lẽ
ĐCSVN với tính cách tự nhận về mình vai trò là đảng duy nhất lãnh đạo đất nước
nên tự hỏi mình là có muốn, có ý chí, hay có dám nắm lấy ngọn
cờ lãnh đạo đất nước Việt Nam hôm nay như đã nêu trên hay
không? Ý chí nào thì sẽ có phẩm chất và năng lực nấy.
- Nói
vậy có nghĩa: Nếu ĐCSVN có ý chí thì có thể?
- Tốt nhất là lãnh đạo của ĐCSVN nên
trực tiếp trả lời trước cả nước câu hỏi này. Theo tôi, ĐCSVN đang có trong tay
những điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với Myanmar khi Tổng thống Thein Sein
bắt đầu cải cách chính trị năm 2011.
ĐCSVN hoàn toàn có thể có phẩm chất và
năng lực thực hiện thành công vẻ vang nhiệm vụ cải cách chính trị trọng đại
này, nếu từ nay Đảng dám đặt quyền lợi quốc
gia lên trên hết, quyết xả thân vì quốc gia! Đây cũng là kịch bản tối ưu cho
đất nước, và cho Đảng.
Khả năng thành công vẻ vang rất lớn, vì so sánh với tất
cả những nước trên thế giới đã và đang cải cách chính trị, hay đang đứng trước
đòi hỏi phải cải cách chính trị như nước ta, tôi thấy Việt Nam có nhiều thuận
lợi hơn cả – tính đến cả sự tồn tại những mối quan hệ và ràng buộc/lệ thuộc
Việt Nam – Trung Quốc hiện nay.
- Chữ
“nếu” này dắt được cả con voi chui qua
lỗ kim! Nếu Đảng nhất quyết không cải cách chính trị như thế thì sao?
- Chắc chắn nhất cho ĐCSVN và an lành
cho đất nước là: Trước khi đi tới một quyết định “to be or not to be?”
như thế, Đảng nên tìm cách hỏi dân – hỏi thực lòng, để Đảng có căn cứ xác đáng
cho mình hành động, hỏi vì lợi ích của chính mình – nghĩa là đi tìm câu trả lời
trung thực quyết định vận mệnh của Đảng, chứ không phải là hỏi lấy lệ như khi
xây dựng Hiến pháp 2013 để biện minh và tuyên truyền.
- Hỏi
như thế, ĐCSVN sẽ có thể “mất hết”, có ngu mới hỏi! Đảng cứ làm tới không cần
hỏi. Cho đến giờ phút này cũng chưa ai đủ sức bắt Đảng phải hỏi. Cũng có nhiều
rào cản không cho hỏi. Đảng kiên quyết không cải cách chính trị để kiên định đi
lên CNXH, thì sao?
- Việt Nam trước Gia Long (lên ngôi vua
1802), và Nhật trước Minh Trị (lên ngôi vua 1867), cùng chung một trình độ phát
triển dưới cái bóng của văn minh Trung Quốc. Sự khác biệt là Gia Long – với
tính cách là vua của một Việt Nam thống nhất – đã tiếp cận với thế giới và tư
bản phương Tây trước Minh Trị 65 năm. Nhưng sau Minh Trị (chết năm 1912 – nghĩa
là trong phạm vi một đời vua) Nhật trở thành nước phát triển, vì mở cửa tiếp
thụ thành quả văn minh của thế giới bên ngoài. Còn ở Việt Nam: Tuy cùng chung
một bối cảnh tiếp xúc với phương Tây như Nhật và đi trước Nhật, nhưng hủ nho và
tha hóa của triều Nguyễn đã dẫn đến mất nước (Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam
1858, hoàn tất việc chinh phục Việt Nam 1884). Bài học khắc cốt ghi xương: Con đường
lận đận của đất nước hơn 2 thế kỷ qua bắt đầu từ đây…
Ngày nay,
trong chiến tranh lạnh II đã xuất hiện nơi này nơi khác chiến tranh ủy nhiệm; các
mối đe dọa chiến tranh kinh tế và chiến tranh nóng đang gia tăng; ngay tại Biển
Đông là tình trạng bên miệng hố chiến tranh; đặc biệt quan trọng là TTP, các
FTAs và AEC đang đòi hỏi phải sớm có một Việt Nam hoàn toàn khác, với một nền
kinh tế khác, được vận hành bởi một thể chế chính trị khác!… Một thế giới quyết
liệt như vậy không có chỗ đứng cho một Việt Nam dặt dẹo. Thực tế này đặt ĐCSVN
sau Đại hội XII trước sự lựa chọn: Hoặc là ĐCSVN sẽ đi vào lịch sử là người
lãnh đạo nhân dân nắm bắt được cơ hội giải thoát đất nước khỏi lời nguyền địa
lý để trở thành một nước phát triển?.. Hoặc giả… nếu làm ngược lại, thì ĐCSVN
sẽ là gì?!
- ???…
Để kết thúc bài viết, xin đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội
Việt Nam, đang mang chức danh ràng buộc với đất nước như tên gọi của mình, hãy
dấy lên trong cả nước cuộc thảo luận về chủ đề: Đất
nước chúng ta nên lựa chọn gì trong thế giới hôm nay? Nên coi
Hội thảo hôm nay là mở đầu. Còn gì đáng mong muốn hơn việc đầu tư công sức cho
một việc đất nước đang mong đợi như thế!?
N.T.
Hà Nội, Võng Thị, ngày 10-03-2016
Tài liệu tham khảo
01- Nguyễn Trung – Việt Nam
trong thế giới của thập kỷ thứ hai thế kỷ 21, http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai18/201018_NguyenTrung.htm
02- Nguyễn Trung -
Chúng ta lựa chọn gì cho Tổ quốc? (Bài 3 trong năm 2014 viết về
Đại hội XII sắp tới của ĐCSVN) http://viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_LuaChonGiChoToQuoc.htm
–
03- Nguyễn
Trung – Hai mươi năm bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, http://viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_20NamThuVVKiet.htm
–
04- Nguyễn
Trung – Đại hội XII – một thất bại chung của Việt Nam, http://viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_DaiHoiThatBai.htm
05- Nguyễn Quang Dy – Trung
Quốc có thể làm gì ở Biển Đông? http://viet-studies.info/kinhte/NQuangDy_TQCOTHELamGi.htm
06- Minxin
Pei (Bùi Mẫn Hân) – “The
Twilight of Communist Party Rule in China“,bản dịch của
Phạm Gia Minh American Interest, 15-12-2015 http://www.viet-studies.info/kinhte/Pei_CCPTwilighlt_trans.htm
07- Robert
D. Kaplan (Trung tâm nghiên cứu An ninh Hoa Kỳ) -
TÌNH TRẠNG HỖN LOẠN VÔ CHÍNH PHỦ SẮP
DIỄN RA TRÊN LỤC ĐỊA Á- ÂU –
Những rủi ro đến từ sự yếu đi của
Trung Quốc và Nga ( Eurasia’s Coming Anarchy (Foreign
Affairs March/April2016) – http://www.viet-studies.info/kinhte/FA_EurasiaAnarchy_trans.htm
08- Alexander L. Vuving – Trung
Quốc sẽ làm gì ở Biển Đông? http://www.viet-studies.info/kinhte/Vuving_TrungQuocLamGi.htm
09- Các tài liệu nghiên cứu
của Rand Corporation:
www.rand.org › Calendar of
Events. *(2)RAND Corporation …. Yann-huei
Song, Research Fellow,
Academia Sinica, Taiwan … China’s Approach
to the ECS and SCS Disputes – 13-01-2016. *(3)China’s Incomplete
Military Transformation – Rand – www.rand.org/content/dam/rand/pubs/research…/RAND_RR893.pdf.
…etc …
10- Walter Laqueur – Putinism,
Russia and its Future in the West, – Thomas Dounne Books, New
York July 2015.
11- Natan Dubowizki – Nahe
Null, 2009 – 2011, Berlin Verlag GmbH, Berlin.
12- Carl Thayer – New Model of
Major Power Relations: China-U.S. Global Cooperation and
Regional Contention – http://www.viet-studies.info/kinhte/Thayer_NewModel.pdf./.
[1] Bài này xin
trình bày một số nhận xét tổng quan về vấn
đề lựa chọn chiến lược của đất nước để bạn đọc tham khảo – như
một gợi ý về cách đặt vấn đề. Suy nghĩ về bước đi và giải pháp cần lựa chọn cho
hôm nay, người viết bài này xin được trình bày riêng khi thuyết trình (ngoài
khuôn khổ của bài viết này).
[2] Hai
phe: Chủ nghĩa xã hội chống chủ nghĩa đế quốc; bốn
mâu thuẫn: (1) giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, (2)
giữa phong trào độc lập dân thộc và chủ nghĩa đế quốc, (3) giữa phong trào công
nhân và giai cấp tư bản, (4) giữa các nước đế quốc với nhau. – Tham khảo thêm các
văn kiện của Hội nghị 81 đảng cộng sản và công nhân quốc tế họp tại Moscow
1957, Tuyên ngôn 1957…
[3] Kiến nghị
của 72 nhân sỹ trí thức về sửa đổi Hiến pháp, ngày 04-02-2013 đã được trao
chính thức cho Quốc hội khóa 13. Kiến nghị này được hàng nghìn người
trong nước hưởng ứng bằng chữ ký.
[4] Sự thật là
kiến nghị Võ Văn Kiệt được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm
kỳ của ĐCSVN khóa VII (01-1994) đưa ra 4 nguy cơ mang xu hướng ghìm hãm đổi
mới, nhấn mạnh nguy cơ chệch hướng XHCN và nguy cơ diễn biến hòa bình.
[5] Tìm xem Tạp
chí Thời đại mới:
[6] Chiến tranh
lạnh I bắt đầu sau khi chiến tranh Thế giới II kết thúc năm 1945 và kéo dài tới
các nước Liên Xô – Đông Âu sụp đổ 1989 – 1991.
[7] Hai mặt trận
chủ yếu khác là: (1) Nga/NATO – Mỹ – EU, (2) Trung Đông.
[8] Các số liệu
thống kê về kinh tế Mỹ, Trung, Nga đều lấy từ thống kê của IMF và WB năm 2015.
– Nguyễn Trung.
[9] Đặc biệt
nguy hiểm là miền Đông Ukraina có thể bi chia cắt vĩnh viễn, cuộc chiến tranh
của Nga 08-2008 giúp phiến quân ly khai ở tỉnh Ossetia của Gruzia đánh bại quân
đội chính quyền trung ương Gruzia, vân vân. Tham khảo thêm Robert D. Kaplan
– Eurasia’s Coming Anarchy – The Risks of Chinese and Russian Weakness –
https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2016-02-15/eurasias-coming-anarchy
[10] Trong bảng
xếp hạng những nguyên thủ giàu nhất thế giới, thật bất ngờ khi Tổng thống Nga
Vladimir Putin, người đàn ông có sức ảnh hưởng nhất năm 2013 lại là nguyên thủ
giàu thứ hai thế giới. Theo chuyên gia phân tích chính trị Stanislav Belkovsky
thuộc Viện Chiến lược Quốc gia (National Strategy Institute) cho biết, hiện
Tổng thống Putin đang sở hữu 35% cổ phần của công ty dầu khí Surgutneftegaz và
4,5% cổ phần ở tập đoàn dầu khí Gazprom. Tham khảo thêm: Walter Laqueur – Putinism
– Russia and its Future with the West – Thomas Dounne
Books – St. Martin’s Press, New York 2015.
[11] Khái niệm “development
path” – “con đường phát triển – trong ngữ cảnh này cần được
hiểu như là “con đường sống còn”
không thể thay đổi, không thể thương lượng. Ngoài ra, Tập Cận Bình và
Vương Nghị đã chính thức nói với phía Mỹ: Biển Đông là lợi
ích cốt lõi của Trung Quốc – Nguyễn Trung.
[12] Tham khảo:
Carlyle A. Thayer – New Model of Major Power Relations: China-‐U.S. Global Cooperation and Regional Contention,
http://www.viet-studies.info/kinhte/Thayer_NewModel.pdf
[13] Có thể nói
Trung Quốc phản ứng rất nhanh nhạy và quyết liệt. Trong khi TTP đang trong quá
trình đàm phán và đi tới ký kết, Trung Quốc thiết lập ngay AIIB, đẩy nhanh hơn
nữa chiến lược “một vành đai, một con đường”, xúc tiến các hợp đồng kinh tế
quan trọng với Anh, Iran, các nước châu Mỹ Latinh… Trong quân sự, việc
xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo và bãi đá chiếm của Việt Nam được xúc
tiến rất khẩn trương, từ đầu năm 2016 đã ráo riết đưa vào sử dụng… Tham khảo
thêm: Nguyễn Trung, “Việt Nam trong thế
giới của thập kỷ thứ hai thế kỷ 21” – Thời
đại mới – 2010.
[14] Bên cạnh
việc Trung Quốc đã sẵn sàng bố trí thường trực SU35, tên lửa và radar mạnh vào
các căn cứ xây trên các đảo lấn chiếm của ta ở Biển Đông (đã hoàn tất giai đoạn
chuẩn bị và thử), đã tiến hành các cuộc tập trận của tàu chiến và không quân,
công khai nói tới việc lập ADIZ ở Biển Đông… Đáng chú ý là hiện nay Trung Quốc
đã đầu tư hay thuê được khoảng 20 cảng trên khắp thế giới, nổi bật là đã thuê
được 99 năm cảng Darwin (Bắc Úc) và một cảng ở Djibouti – cả hai nơi này đều có
các căn cứ quân sự của Mỹ…
[15] Trên thực
tế Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ kép: (1) áp
lực xâm lược trực tiếp từ chính sách bá quyền của Trung Quốc – Việt Nam với
tính chất là bàn đạp chiến lược đầu tiên cần chinh phục để mở đường bước ra
Thái Bình Dương và đồng thời cũng là chướng ngại vật tự nhiên đầu tiên phải xử
lý của Trung Quốc tại Biển Đông; (2) trận địa nóng nhất của tranh chấp Mỹ –
Trung ở CÁTBD là Biển Đông, trong đó Việt Nam là khâu nhạy cảm nhất. Nghĩa
là: Do sự can thiệp quá sâu Trung Quốc đã tạo ra được, chưa bao
giờ Việt Nam bị Trung Quốc uy hiếp nghiêm trọng như hiện nay – kể từ ngày xuất
hiện nước CHNDTH. Hiện nay Việt Nam đang ở trong tình hình còn nguy hiểm hơn
thời kỳ chiến tranh lạnh I (1945 – 1990). Cần
nhấn mạnh: Trong cục diện thế giới nhiều rối loạn, những bước
đi TQ đã thực hiện được trên Biển Đông, cùng với những thách thức dồn dập của
kinh tế, nội trị và biến đổi khí hậu đang hoành hành quyết liệt trên đất nước
ta, có thể nói: Tổ quốc chúng ta đang lâm nguy hơn bao giờ hết!
[16] Xin kể 2 ví
dụ:
(1) Ukraina tìm con đường phát triển dân chủ và
thoát khỏi sự lệ thuộc vào Nga là đòi hỏi chính đáng của nước này. Song cái xảy
ra bất khả kháng là tự thân con đường này chẳng những đối kháng trực tiếp
với lợi ích đế chế của Nga, mà còn rơi vào xung đột chiến lược toàn cầu
Nga – phương Tây.
Liệu Ukraina có thể sống sót qua được tình thế bất khả kháng
này và khi nào, trong hoàn cảnh nào Ukraina có thể thực hiện được ước vọng
chính đáng của mình? Song một Ukraina nội bộ chia rẽ và tham nhũng có lẽ là
không thể!
(2) Chiến tranh Syrie bùng lên làn sóng di
tản từ châu Phi vào châu Âu. Cách đây vài tháng có ai nghĩ rằng hiện tượng này
đang không kiểm soát được, và có thể phá vỡ một số định chế của EU? Giả định là
có một EU sẽ ngập sâu hơn nữa vào nạn khủng bố và nạn di cư, sẽ xảy ra những
tác động nào đối với cả thế giới?
[17] Tình hình ở
đây nhạy cảm rất khó lường, ví dụ: Ngày hôm trước Nga, Thổ và Iran còn chủ
trương hình thành một liên minh chống ảnh hưởng của Mỹ tại đây (mặc dù Thổ là
thành viên NATO và đang trong quá trình gia nhập EU), song sau ngày Thổ bắn hạ
một máy quân sự của Nga, lập tức Nga và Thổ trở thành kình địch của nhau.
Nguyên nhân là một bộ phận người Kurd ở biên giới nổi lên chống Thổ và nguồn
dầu của IS cung cấp cho Thổ. Bộ phận người Kurd này thân các phe nhóm Syrie nên
được Nga ủng hộ; trong khi đó Thổ lại sử dụng lực lượng IS tại chỗ để trừng trị
sự nổi dậy này. Có ý kiến cho rằng Thổ chủ định như vậy để lôi NATO dính líu
vào những mưu đồ của Thổ mở rộng ảnh hưởng tại chỗ…
[18] Hai thất
bại chiến lược khác là: (1) Không thể trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng
hiện đại vào năm 2020; (2) không xây dựng được chế độ chính trị mà sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta trong thế giới hôm nay đòi hỏi. Vì 3 thất
bại chiến lược này, đất nước ta vừa có nguy cơ để vuột mất cơ hội đổi đời.
[19] Hầu hết các
nước đang phát triển trên thế giới đang cùng với nước ta đứng trước thách thức
phải mở ra cho mình con đường sống như thế nào trong cục diện kinh tế và chính
trị toàn cầu mới đầy biến động và không ít rối loạn như hiện nay.
Đấy là một
lực lựơng đồng minh tiềm tàng của ta, có thể tạo ra cho nước ta một trong những
tập hợp lực lượng không thể thiếu trong thế giới hôm nay – bắt đầu ngay từ trận
địa ASEAN. Và nhìn chung, do đối nội yếu kém, nên trong đối ngoại nước ta đang
ở thời kỳ yếu nhất, kém nhất trong nhiệm vụ tạo ra cho mình sự tập hợp lực lượng
trên thế giới mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay đòi hỏi.
Việt Nam
hiện nay đang có không ít những tập hợp lực lượng khác có thể tạo ra, vì bối
cảnh thế giới ngày nay và vị thế địa kinh tế – địa chính trị của nước ta cho
phép như vậy. Chính sách đối ngoại của ta trên mặt trận này nhất thiết phải
thay đổi quyết liệt cho mục tiêu có ý nghĩa chiến lược này, bắt đầu từ thay đổi
quyết liệt trong đối nội: Không sợ diễn biến hòa bình, dám nắm lấy các giá trị hòa
bình, dân chủ, quyền con người, phát triển bền vững, hợp tác, phát triển…
làm động lực phát triển của chính mình và làm vũ khí cho tập hợp lực
lượng trong đối ngoại…
N.T.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment