Đăng ngày 12.09.2016
GNsP (12.09.2016) – Hơn 110 ông Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đến từ các tỉnh thành như Bến Tre, An Giang, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… tham dự buổi tầm soát sức khỏe tại Văn phòng Công lý và Hòa bình Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, vào ngày 12.09.2016.
Tầm soát sức khỏe cho quý ông TPB VNCH là một trong những hoạt động của Chương trình Tri Ân Anh – TPB VNCH do quý Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế thực hiện.
Đây là buổi tầm soát sức khỏe lần thứ 11 trong năm 2016.
Có 6 quý ông TPB bị cụt chân được chương trình hỗ trợ và hướng dẫn lắp chân giả tại bệnh viện. Chi phí hỗ trợ được bà Mary Tuyết, một Việt kiều sống tại Đức, yểm trợ.
Đặc biệt, một ân nhân tặng cho chương trình150 phần ăn sáng cho quý TPB và tình nguyện viên. Một doanh nhân Công giáo tặng bánh flan và yaourt.
Như thường lệ, chương trình cấp phát các các dụng cụ y tế và phương tiện hỗ trợ di chuyển cho quý ông theo yêu cầu của các y bác sĩ, cụ thể: 04 chiếc xe lắc, 06 chiếc xe lăn, 07 cặp nạng, 07 cây gậy, 16 Máy đo huyết áp, 34 cặp kiếng và 20 trường hợp hỗ trợ mua bảo hiểm y tế. Ngoài ra, về lộ phí mỗi ông được hỗ trợ 500.000 VNĐ.
Quý ông TPB VNCH cùng chia sẻ bài ca tiếng hát thời trai trẻ.
Các Linh mục phụ trách chương trình, các y bác sĩ, các ông TPB và các tình nguyện viên cùng dùng chung bữa cơm trưa thân mật.
Pv.GNsP
http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog/2016/09/12/tiep-tuc-tam-soat-suc-khoe-cho-quy-tpb-vnch/
Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Trong nhiều ngày liền, những lá thư mà tôi nhận được, đến từ nhiều nguồn và nhiều người nhưng tất thảy đều có chung một chủ đề, là kêu gọi ngăn chận việc hình thành một nhà máy cán thép ở Cà Ná, Ninh Thuận. Tôi không biết ai trong số họ – những con người xa lạ ấy, nhưng rõ là họ đang cố tìm mọi cách để đánh động đồng bào mình về một thảm họa chung sẽ đến.
Một bức thư khác, kêu gọi ký tên phản đối thông qua trang Change.org. Trong đó, nhóm viết thư ngỏ có tên là Green Trees Vietnam hỏi một cách thống thiết rằng “bạn chưa thấy hoảng sợ hay sao?”.
Tôi đọc bức thư này trong một buổi sáng Chủ nhật, trời âm u và đầy mây mù nặng nề. Khung trời Việt Nam thật khắc khoải. Những người thốt lên lời đau đớn ấy, không khác gì những sứ giả của khải huyền miệt mài cảnh báo dấu hiệu chuỗi tận thế Ragnarok đang đến, nhưng tiếng nói của họ yếu ớt và chìm vào thời đại hỗn mang. Nhất là khi tôi đi ngang sân của Nhà Văn hóa Thanh Niên ở Sài Gòn, tiếng micro của người dẫn cuộc vui được đáp lại bằng những tràng hô rất to hoan hỉ. Quả thật, hiện thực của một dân tộc như đang chết sặc, lịm dần trong lịch trình giáo dục thờ ơ, hoan lạc xếp đặt.
Thư ngỏ cùng kêu gọi ký tên chống lại Dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen chỉ cần có 1500 người tham gia. Thế nhưng các chữ ký đến chậm từng ngày, nó khác biệt làm sao, so với các cuộc vui mông muội mà hàng ngàn người nô nức ghi danh. Khác biệt với một sản phẩm thời thượng đắt tiền ra mắt mà trong tích tắc quá tải đến mức phải khóa sổ.
Tôi ký tên vào thư ngỏ này, với tư cách của một công dân còn tỉnh táo, nhưng lại quá tỉnh táo để tự vấn rằng lá thư này sẽ đến đâu, và ai sẽ đọc nó, hoặc ai sẽ thức tỉnh được phần người trong mình để nhận ra đất nước này đang chuồi dần vào lộ trình tận diệt Ragnarok bởi bọn trọc phú và quan lại điên cuồng trong dục vọng cưỡng đoạt quê hương?
Chưa bao giờ đất nước đang ở chương hồi bi kịch như lúc này. Người dân kêu gào cho sự sống và tồn vong của đất nước, còn những kẻ có quyền thì mê mị đám đông bằng những ngôn từ của rắn, rồi lặng lẽ hành động với âm mưu đã định. Một cuộc thăm dò trên báo Lao Động cho biết có đến 93% bạn đọc đã nói không với Cà Ná, nhưng cũng ngay lúc ấy, nhưng ông Trương Thanh Hoài – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, đại diện cho Bộ Công Thương vẫn nói như đinh đóng cột “Hoa Sen không làm, Thép Cà Ná vẫn vào quy hoạch”. Điều đó cho thấy dã tâm không chỉ có Tôn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ, mà dã tâm là của cả một hệ thống. Nhân dân tuyệt vọng quẫy đạp phản đối, yếu ớt như những con cá trong làn nước độc nhưng số phận thì đã định rồi. Bản đồ đánh dấu sự lắng nghe và đối thoại của chính quyền với nhân dân, đã được điểm bằng dùi cui, roi điện, lựu đạn cay… ngày càng nhiều ở Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh… Và mai đây, nếu như có mặt của nhà máy thép ở Ninh Thuận, bản đồ này có lẽ sẽ còn phong phú hơn nữa.
Vùng biển Cà Ná, Ninh Thuận chỉ cách Sài Gòn khoảng 300 cây số. Một vụ nhiễm độc từ chất thải, sẽ sớm cô lập toàn bộ vùng lương thực quan yếu của toàn miền Nam và hủy diệt sức sống của một vùng kinh tế – xã hội chỉ trong 2 tuần lễ. Việt Nam chưa bao giờ là một quốc gia đau bệnh như hôm nay. Từ Trung Quốc, các dự án và phương thức hoạt động được tuồn dần vào Việt Nam. Bauxite Tây Nguyên hay Formosa, rồi hóa chất, thực phẩm độc… hôm nay thì cú đánh hiểm hóc vào Cà Ná từ dự án hãnh tiến về luyện thép. Không thể không hình dung đến một thuyết âm mưu quan trọng về một quốc gia suy yếu dần để Trung Quốc dễ bề kiểm soát. Nhưng dĩ nhiên, muốn làm được việc đó, phải có sự tham gia của bọn trọc phú hám lợi, bọn quan lại phản bội tổ quốc và bọn thỏa hiệp.
Phản ứng với báo chí về vụ dự án thép, ông Lê Phước Vũ từng nói rằng “mày đăng tao lên báo, tao chấp mày luôn”. Cách nói của ông Vũ, nhắc người ta nhớ đến giọng điệu trịch thượng của ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường khi đòi rút thẻ nhà báo đưa tin, và gọi bằng “thằng”. Có cái gì đó thật đồng bộ giữa thế lực nhà nước và giới trọc phú khi kề cận nhau. Giai cấp của một hệ thống nằm trên pháp luật – vốn không bao giờ phải chịu trách nhiệm về sự ngu dốt, sai lầm và tội ác của mình nhưng luôn mạnh miệng để chà đạp phía nhân dân.
Ông Vũ có lý do gọi phần xã hội còn lại là “mày”, vì bởi ông tin đã dựa lưng vào khối tiền khổng lồ béo bở của dự án, như chân lý chói rực qua tim. Hơn nữa, ông lại là anh em cột chèo với thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, và luôn được ủng hộ bởi Trường ban thường trực phía Nam của ban Tuyên giáo Trung ương Đào Văn Lừng. Trong giới làm ăn, ông Vũ cũng được nhìn thấy là người “chọn phe đúng” để vận động là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Với danh thế lừng lững như vậy, rõ là ông Vũ còn gì để ngại ngùng gọi phần còn lại của Việt Nam là “mày”?
Tôi chưa bao giờ nghĩ những lời phản biện tâm huyết và những lá thư ngỏ, cùng kêu gọi ký tên phản đối nhà máy cán thép Cà Ná có thể đến được bàn làm việc của ông Lê Phước Vũ. Vì ít nhất, đọc những điều rất Việt Nam, của những trái tim Việt Nam, của nguyên khí Việt Nam, thì một phần người nào đó đã được đánh động trong ông, thay vì luôn quảng bá hảo kim quang của danh xưng một phật tử.
Tôi từng thấy hình ảnh ông Vũ mặc áo kasaya quỳ lạy nơi cửa Phật. Có không ít quan chức liên quan đến ông cũng quỳ lạy thành kính như vậy. Ông Vũ và các quan chức đó cầu nguyện gì khi mắt nhắm nghiền và tay chấp hương? Liệu có là lời cầu nguyện cho dân tộc và đất nước này, hay chỉ là nối chấp mê vào dục vọng cuồng điên của quyền lợi riêng mình, bỏ mặc nhân gian oán thán? Tôi đã nhìn rất lâu vào những bức ảnh như vậy, tần ngần với biết bao suy nghĩ không lời giải thuộc về con người.
Trong muôn ngàn sự tích hay về cuộc đời, có chuyện về một nhà tu hành bị bá tánh khinh thường, ngồi khóc ở ven rừng. Quỷ xuất hiện và thỏa thuận sẽ làm nhà tu hành khiến ai ai cũng phải kính sợ. Nhưng bù lại, khi có quyền lợi – thì thầy tu và quỷ sẽ ăn chia đủ với nhau như bạn đời. Quỷ vô hình nâng thầy tu lên vai khiến dân chúng nhìn thấy thầy tu như bay lên, nên từ đó cúng dường, vâng phục. Liên minh người-quỷ đó tồn tại cho đến một ngày bất chợt Quỷ suy yếu quyền lực, không đỡ nổi khiến thầy tu té xuống và chết.
Điều gì đã nâng ông Lê Phước Vũ bay cao, để ông nhìn vào cõi nhân gian và cười cợt, gọi mọi người bằng “mày”? Và ông Vũ nghĩ loại quyền lực vô hình nào, có thể phụng sự cho ông đến cuối cuộc đời? Nhưng dù là ai, liên minh giả Phật-giả Quỷ ấy không thể tồn tại mãi trên đời thực này, không thể nghiễm nhiên mãi dẫm lên sự khổ đau của đồng loại, trong tương lai đi tới.
Tôi không biết mình có quen ai trong số 1500 người, ký tên vào thư ngỏ chống nhà máy thép Tôn Hoa Sen sẽ hủy hoại đất mẹ Việt Nam. Tôi nghĩ về rất nhiều lời tâm tình, phản đối, chia sẻ kêu gọi mà tôi đã đọc được. Tôi cũng không biết họ là Phật tử hay là người Công giáo, có tín ngưỡng hay không. Nhưng tôi biết chắc họ đang chọn hành động cho một ý nghĩa duy nhất, là sống và làm người với lẽ phải.
Là Quỷ hay Phật ngày mai, thì vẫn còn chưa biết được. Nhưng tôi sẽ không mơ màng chọn lựa hình ảnh. Tôi chỉ cố làm người hôm nay. Làm người, để còn đứng trong và đứng cùng đồng loại ở những giây phút nguy nan này, lắng nghe nỗi đau và khát vọng của dân tộc và quê hương mình. Làm người, để phân biệt và chỉ rõ ai là kẻ giả Phật và giả Quỷ đang giày xéo, mua bán đất nước này bằng cường quyền và mỵ ngữ.
Làm người, xin hãy mơ được là người thôi, thầy tu hay ngạ quỷ khi nhận ra, cũng đã là niềm hạnh phúc của dân tộc.
Thông Tin Đức Quốc - http://www.thongtinducquoc.de/node/2910
Ai sẽ đền bù cho người dân Việt Nam trong thảm họa Miền Trung?
Cho đến nay, chính phủ Việt Nam dù đã nhận 500 triệu đola, thì người dân vẫn chưa biết được họ sẽ được đền bù như thế nào? Trong khi đó, từ đầu thảm họa đến nay, chính phủ chỉ công bố các biện pháp hỗ trợ!
Vậy hỗ trợ là gì?
Theo đúng từ điển Tiếng Việt, “Hỗ trợ” là động từ có nghĩa là “ giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ thêm vào”. Do vậy, việc chính quyền hỗ trợ người dân chỉ là sự giúp đỡ người dân trong lúc khó khăn và sự giúp đỡ này hoàn toàn không thể thay thế được cái cốt yếu người dân đang cần, mà chỉ là sự “thêm vào” khi khó khăn. Cần phải hiểu cho rõ nghĩa như vậy kẻo nhầm lẫn.
Thực ra, tiền của hỗ trợ người dân ở đây cũng lấy từ chính những đồng tiền thuế và của cải của người dân mà ra, chứ chính phủ thì làm gì có xu nào cho dân, chỉ có đi vay mượn phá phách xả láng và dân è cổ ra chịu nợ mà thôi.
Vậy đền bù là gì?
Đền bù là “trả lại đầy đủ, tương xứng với công lao, sự mất mát hoặc sự vất vả”
Cần phải hiểu rõ rằng: Formosa đã gây ra thảm họa biển Miền Trung Việt Nam, một thảm hoa môi trường ghê gớm. Họ là thủ phạm phải chịu trách nhiệm đền bù những thiệt hại do hành vi của họ gây ra cho người dân Việt Nam. Họ đã thừa nhận điều đó.
Việc đền bù phải tương xứng với những thiệt hại do thảm họa này gây ra.
Những ai được đền bù?
Hẳn nhiên, khi đã nói đến đền bù, thì tất cả những người bị ảnh hưởng, thiệt hại về mọi mặt bởi hành động của Formosa đều phải được đền bù tương xứng với sự thiệt hại và ảnh hưởng đó.
Cần phải hiểu rằng, thảm họa Biển Miền Trung không chỉ rảnh hưởng tới ngư dân mà có thể nói cả dân tộc Việt Nam, cả đất nước này, hiện nay và mai sau đều bị ảnh hưởng và thiệt hại..
Có thể nói rằng, không có ngành nào và không có người dân Việt Nam nào đứng ngoài những thiệt hại bởi thảm họa biển Miền Trung. Cũng không chỉ có các tỉnh mà chính phủ đã liệt kê mới chịu ảnh hưởng. Bởi dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một, không thể chỉ một nơi đau đớn mà nơi khác không bị ảnh hưởng cả tinh thần lẫn vật chất.
Mặt khác, thảm họa này không chỉ là một năm hoặc mươi năm, mà là hàng chục năm sau vẫn chưa thể khắc phục.
Hơn thế, sức khỏe, tính mạng người dân và giống nòi bị đe dọa hết sức nghiêm trọng hiện tại và lâu dài…
Tất cả những thiệt hại đó, thủ phạm phải đền một cách tương xứng.
Vậy, với 500 triệu đola mà chính phủ Việt Nam đã nhanh nhẩu, vội vàng nhận lấy đó có phải là số tiền đền bù tương xứng?
Xin thưa là không thể. Bởi số tiền đó, so với những thiệt hại mà Formosa gây ra chỉ là một hạt cát trên bãi biển miền Trung mà thôi.
Vậy ai sẽ đền bù?
Cho đến nay, chưa hề có một nhóm, ủy ban của nhà nước hay bất cứ một tổ chức xã hội nào đứng ra nhận trách nhiệm đền bù cho người dân Việt Nam bị thảm họa Miền Trung. Tất cả những việc kê khai, điều tra (nếu có) của nhà nước, chỉ nhằm phục vụ việc “hỗ trợ” người dân bị ảnh hưởng mà thôi.
Mà như trên đã phân tích, việc hỗ trợ của nhà nước dù bằng bất cứ nguồn tiền nào, đều không thể thay thế việc đền bù thiệt hại cho người dân.
Hẳn nhiên, cần phải có người chịu trách nhiệm đền bù rõ ràng cho người dân bị ảnh hưởng. Vậy nơi nào sẽ đền bù cho người dân? Chính phủ Việt Nam hay Formosa?
Thứ trưởng Bộ TN và MT Võ Tuấn Nhân
Nếu chính phủ chính thức nhận đền bù thay Formosa vì lỡ “ăn của chùa ngọng miệng” thì chính phủ phải kiếm đủ số tiền đền bù tương xứng thiệt hại của người dân và nền kinh tế quốc dân bởi thảm họa này. Và đúng đắn, nghiêm túc hơn nữa, chính phủ không được dùng tiền thuế của người dân cho việc đền bù mà lỗi là do Formosa gây ra. Ngoài ra, chính phủ có nhiệm vụ đòi hỏi Formosa bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người dân, bởi họ được dân nuôi thì phải làm việc cho dân. Đơn giản vậy thôi.
Còn nếu chính phủ không nhận nhiệm vụ đền bù cho người dân, thì thủ phạm là Formosa phải đứng ra chịu trách nhiệm đền bù cho họ.
Và khi đó, người dân cần trực tiếp Formosa để đòi hỏi quyền lợi của mình. Hoặc bằng Tòa án. Điều đó không thể chối cãi.
Lãnh đạo Formosa cuối đầu xin lỗi đã làm ô nhiễm môi trường biển Miền Trung
Khi đó, chính phủ phải bảo đảm an toàn cho người dân đòi hỏi quyền lợi chính đáng, sự công bằng cho mình, chính phủ phải đứng về phía người dân chứ không thể dùng cảnh sát và các lực lượng ngăn cản.
Bởi nếu có hành vi dùng các lực lượng ngăn cản người dân đi đòi quyền lợi chính đáng cho mình, nhằm bảo vệ thủ phạm, thì chính phủ đó là chính phủ phản động, đứng về kẻ thù để chống lại nhân dân.
Và khi một chính phủ đứng lên chống lại quyền lợi người dân, thì người dân có quyền truất phế, loại bỏ chính phủ đó không cần thương tiếc.
https://chantroimoimedia.com/2016/09/11/ai-formosa-hay-chinh-phu-viet-nam/
__._,_.___
________________________________________
Posted by: ly vanxuan
No comments:
Post a Comment