Di sản của vụ Thảm sát Thiên An Môn
Nguyễn Tiến Chương biên dịch| Lê Hồng Hiệp hiệu đính
Johan Lagerkvist
Johan Lagerkvist
Trong tuần này vào hai mươi lăm năm trước đây, những cảnh tượng
hãi hùng đã diễn ra tại giao lộ Muxidi tại trung tâm Bắc Kinh. Hàng ngàn sinh
viên và công nhân đã cố gắng để ngăn cản Quân đội Giải phóng Nhân dân tiến quân
về phía Quảng trường Thiên An Môn và nhận ra trong sự ngỡ ngàng rằng những
người lính đã sử dụng đạn thật chống lại họ.
Đặng Tiểu Bình, vị “lãnh đạo tối
cao” đằng sau hậu trường của Trung Quốc, đã ra lệnh cho quân đội xóa sạch Quảng
trường trước ngày 4 tháng Sáu. Khi những thi thể đẫm máu ngã xuống đất,
người dân đã hét lên rằng “Phát xít!”, “Quân sát nhân!”, “Chính phủ tội phạm”. Muxidi
giao với Đại lộ Trường An, cắt qua Quảng trường Thiên An Môn, đã trở thành
trung tâm của vụ thảm sát, đánh dấu sự kết thúc tàn bạo sau gần bảy tuần đầy
kịch tính của cuộc tuần hành vì dân chủ ở thủ đô và trên cả nước.
Vết máu từ lâu đã được rửa sạch, nhưng tư duy đằng sau thảm kịch –
rằng phải kiên định hỗ trợ cho sự trỗi dậy của Trung Quốc mà không chấp nhận
những lời chỉ trích, chất vấn hay phản đối- đã thúc đẩy sự tăng trưởng phi
thường của Trung Quốc và thay đổi bản chất sự tương tác của thế giới với Bắc
Kinh.
Khi nhìn lại, kết quả của các cuộc đàn áp bạo lực, bây giờ được gọi
đơn giản là Sự kiện Thiên An Môn hay Sự kiện ngày 4 tháng 6, đã làm cả Trung Quốc và
toàn thế giới sợ hãi.
Nếu không có vụ thảm sát và sự dịch chuyển cương quyết
sang một xã hội thị trường cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, một nhà
lãnh đạo phương Tây như Thủ tướng Na Uy Erna Solberg sẽ đã không tránh gặp mặt
vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong. Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm Oslo năm
nay để kỷ niệm giải Nobel Hòa bình ông nhận được vào năm 1989. Solberg đã giải
thích rằng: “Không phải là vì Trung Quốc nói rằng chúng tôi không được gặp gỡ
Đạt Lai Lạt Ma, chúng tôi chỉ biết rằng nếu chúng tôi gặp, chúng tôi sẽ gặp khó
khăn (với Trung Quốc) còn nhiều hơn”.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc phụ thuộc vào sự cai trị hà khắc của
Đảng Cộng sản với một sự tập trung cao độ vào việc tạo ra công ăn việc làm và
tích lũy công nghệ mới bằng cách trở thành công xưởng sản xuất của thế giới,
một người khổng lồ xuất khẩu và cho vay với phương Tây.
Trung Quốc đã lo lắng về một tương lai như vậy vào năm 1989. Người
dân đã thương tiếc về cái chết ngày 15 tháng 4 của cựu Tổng Bí thư Hồ Diệu
Bang. Ông là một ánh sáng hiếm hoi về tự do trong Đảng Cộng sản, ủng hộ một nền
báo chí tự do hơn, và người đàn ông đứng sau sự phục hồi địa vị của hàng triệu
người bị đàn áp trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Sự đau buồn tăng lên trở thành
một cuộc biểu tình xã hội lớn thúc đẩy dân chủ và chống tham nhũng. Quảng
trường Thiên An Môn, trung tâm biểu tượng của Trung Quốc, nhanh chóng trở thành
tâm điểm của việc huy động biểu tình.
Yêu cầu của sinh viên được đáp lại bằng sự im lặng, và sinh viên
bắt đầu chiếm Quảng trường Thiên An Môn suốt ngày đêm. Chính phủ tiếp tục phản
kháng, và hàng ngàn sinh viên bắt đầu tuyệt thực để gây sức ép. Một buổi lễ
tiếp đón được lên kế hoạch từ lâu ở quảng trường dành cho nhà lãnh đạo của Liên
Xô, Mikhail Gorbachev, đã bị hủy bỏ vào ngày 15 tháng 5. Các “lãnh đạo Đảng,”
bao gồm cả Đặng Tiểu Bình, bị mất mặt và đã rất giận dữ. Thể hiện sự thất thế
của vị Tổng bí thư ôn hòa Triệu Tử Dương và sự thắng thế của vị Thủ tướng cứng
rắn Lý Bằng, Đặng Tiểu Bình “gợi ý” rằng cần phải công bố thiết quân luật. Sau khi
không thể đánh bật các sinh viên ra khỏi quảng trường, Đặng Tiểu Bình đã rất
thất vọng. Cùng với sự ủng hộ của Lý Bằng lúc này đang rất lo lắng, Đặng đã ra
lệnh cho các đội quân tinh nhuệ xóa sạch quảng trường Thiên An Môn. Bốn năm sau
đó, con số của chính phủ nói rằng 241 người đã bị giết, trong khi Hội Chữ thập
đỏ Trung Quốc ban đầu đưa ra số người chết là 2.600.
Tuy nhiên, ngày nay, rất ít người ở Trung Quốc biết về bất kỳ số
lượng thương vong. Người ta không được phép thảo luận về thảm kịch này. Kiểm
duyệt nhà nước đã tỏ ra hiệu quả trong việc không cho phép đại đa số giới trẻ
Trung Quốc biết đến thông tin. Những nỗ lực để bịt miệng các nhà hoạt động đòi
kỷ niệm vụ thảm sát đã được tăng cường, như các vụ bắt giữ luật sư Pu Zhiqiang,
nhà văn Liu Di và nhà nghiên cứu triết học Xu Youyu vào tháng 5 cho thấy.
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ngăn chặn người biểu tình
tại đường Changan và sau đó đã nổ súng vào người dân tại đây. Ảnh: Charlie Cole
Giới tinh hoa chính trị và kinh tế phương Tây cũng đã góp phần vào
thứ chính trị ký ức mạnh mẽ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngày 17 tháng 5
năm 1989, Đặng Tiểu Bình đã buột miệng nói rằng “phương Tây sẽ quên”. Ông ta đã
trả lời như vậy trước những lo ngại của cán bộ rằng nước ngoài có thể áp đặt
lệnh trừng phạt và tẩy chay Trung Quốc nếu quân đội được sử dụng đàn áp các
sinh viên. Đặng Tiểu Bình hiểu quá rõ những giấc mơ của phương Tây trong việc
khai thác tiềm năng thị trường của Trung Quốc và nỗi sợ hãi địa chính trị đối với
việc Bắc Kinh liên minh lại với Moscow.
Hai tháng sau, trong một chuyến thăm bí mật gặp Đặng Tiểu Bình, Cố
vấn An ninh Quốc gia Mỹ Brent Scowcroft mang một thông báo giải thích rằng Tổng
thống George H.W. Bush sẽ làm mọi thứ có thể để duy trì mối quan hệ. Cô lập
Trung Quốc chưa bao giờ là vấn đề được xem xét nghiêm túc đối với các nhà lãnh
đạo thực dụng của thế giới phương Tây.
Các cuộc đàn áp của chính phủ đã được giữ kín và dần chìm vào quên
lãng. Biện pháp trừng phạt chỉ mang tính chất ngắn ngủi. Vào đầu năm 1990, đầu
tư trực tiếp nước ngoài đã bắt đầu đổ vào Trung Quốc, được coi là một điểm đến
an toàn cho tư bản nước ngoài. Những lời của Đặng Tiểu Bình rằng “phát triển là
một sự thật khó khăn” và rằng Trung Quốc hơn ai hết cần sự ổn định đã được
nhiều người lắng nghe. Khi cựu Thủ tướng Göran Persson của Thụy Điển đến thăm
Trung Quốc vào năm 1996, ông so sánh trực tiếp một Trung Quốc chuyên chế với một
nước Nga mới dân chủ hóa trong một bài phát biểu trước hàng trăm doanh nhân:
“Đối với tôi, một điều vô cùng nổi bật là ý nghĩa của ổn định chính trị đối với
tăng trưởng kinh tế. Khi bạn nhìn vào trường hợp của Trung Quốc bạn có thể thấy
được điều đó. ”
Tầm quan trọng của vụ thảm sát tại Bắc Kinh là rất lớn, nhưng như
thế nào và tại sao lại như thế vẫn chưa được hiểu rõ cho đến ngày nay. Đối với
Trung Quốc, quyết định của Đặng Tiểu Bình sử dụng xe tăng chống lại dân thường
gửi đi một tín hiệu vẫn còn vang vọng trong toàn xã hội (cho tới ngày nay):
Đừng bao giờ chống đối Đảng- Nhà nước.
Sau khi Đặng Tiểu Bình giành được chiến thắng cuối cùng trước phe
chính thống của Đảng vào năm 1992, cuộc đàn áp đã giúp thực thi việc sa thải
công nhân quy mô lớn trở nên dễ dàng hơn. Cải cách thị trường khiến người dân
chuyển hướng sự chú ý của mình và quên đi năm 1989- năm cuộc thảm sát diễn ra.
Người dân cũng được cho là sẽ tàng lờ sự gian lận, hối lộ, gia đình trị và các
hành vi tham nhũng khác của các nhà lãnh đạo chính trị vốn nhét đầy túi của họ
và những người trong gia đình, với sự giúp đỡ từ các ngân hàng khắp phương Tây.
Kết quả là, Trung Quốc đã trở thành một đất nước bất bình đẳng mà
nhiều người cho là thiếu cả tinh thần đoàn kết và đạo đức. Tăng trưởng kinh tế
cũng đã khiến một Trung Quốc phi dân chủ ngày càng có xu hướng dân tộc chủ
nghĩa và tự tin hơn, trong khi sự gia tăng của chủ nghĩa chuyên chế trên toàn
thế giới đã đe dọa các nền dân chủ tự do và khiến các giá trị cơ bản của họ bị
xói mòn.
Sự đồng lõa toàn cầu trong việc hỗ trợ chủ nghĩa tư bản chuyên chế
ở Trung Quốc và các nơi khác đã dẫn đến sự thống trị hiện thời của Trung Quốc
trong chính trị toàn cầu. Người ta thường đổ trách nhiệm cho những phản ứng của
phương Tây đối với cuộc tấn công 11/9, khi hai cuộc chiến tranh dài làm hao mòn
ngân sách và năng lượng của Mỹ, nhưng đó chỉ là một phần lời giải thích cho xu
hướng này.
Sự nhón chân đi nhẹ nói khẽ của các nhà lãnh đạo phương Tây trong
các chuyến thăm đến Bắc Kinh có thể minh họa được cho việc ai là người cầm
chịch trong chính trị toàn cầu hiện đại.
Thủ tướng Anh David Cameron đã dẫn đầu
một đoàn đại biểu các doanh nhân thăm Trung Quốc vào tháng 12 năm 2013. Những
dòng tweet của ông từ ngày 2-4 tháng 12 minh họa cho những ưu tiên của Anh đối
với Trung Quốc: Trong 27 dòng tweet, chỉ có một dòng liên quan đến nhân quyền;
tất cả những dòng khác đều liên quan đến kinh doanh. Kết thúc chuyến đi của mình,
Cameron đã nhấn mạnh rằng: “Sự kết thúc của một chuyến đi thành công. Các hợp
đồng giá trị 6 tỷ Bảng đã được ký kết và đây là một bước tiến trong mối quan hệ
giữa Anh và Trung Quốc.”
Trong khi tuyên bố suông ủng hộ nhân quyền mà không có hành động
cụ thể nào, nền kinh tế vốn sẽ sớm trở thành lớn nhất thế giới này tiếp tục
theo đuổi sự pha trộn giữa chính trị độc tài và kinh tế thị trường tự do của
Đặng Tiểu Bình. Niềm hy vọng rằng những cơn gió của dân chủ tự do có thể lan
rộng khắp toàn thế giới sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin đã bị dập tắt.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách phương Tây vẫn nhiệt tình
thúc đẩy lợi ích kinh tế của quốc gia ở Trung Quốc, hy vọng rằng dân chủ sẽ là
kết quả tự nhiên của việc Trung Quốc tiếp đón chủ nghĩa tư bản. Tại một thời
điểm khi mà gió đã đổi chiều, thế giới phải xem xét lại những lời hứa đã thất
bại của năm 1989 và đặt ra những câu hỏi mới. Pu Zhiqiang đã lập luận rằng
“mong muốn có được sự thoải mái một cách dễ dãi” đã góp phần vào sự lãng quên
tập thể đối với vụ thảm sát. Sự tự mãn và sợ hãi đã đóng băng những quyền phổ
cập của con người thành những nỗ lực cao cả nhưng không thực tế của quá khứ.
Tuy nhiên, sự ép buộc lãng quên quá khứ gần đây của Trung Quốc sẽ không thành
công mãi mãi. Một Trung Quốc đang trỗi dậy phải chống chọi với tiềm thức của kí
ức. Những ký ức bị đè nén muốn quay trở lại, và chúng sẽ trở lại theo những
cách tinh tế và trọn vẹn.
______
Johan Lagerkvist là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Quan hệ Quốc
tế của Thụy Điển và là phó giáo sư tại Đại học Stockholm. Cuốn sách mới của ông
“Thiên An Môn Redux” sẽ được xuất bản bằng tiếng Anh vào cuối năm nay.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment