Sổ Tay Ký Thiệt kỳ 201
John McCain, anh hùng hay
không?
Trên
chính trường nước Mỹ đang diễn ra một sự kiện hết sức nghịch lý. Tổng thống Donald Trump,
Đảng Cộng Hòa, bị những người theo Đảng Dân Chủ ủng hộ bà Hillary Clinton ghét
vì đã thua đau, nhưng người ghét ông Trump nhất nước Mỹ hiện nay lại là một
người thuộc Đảng Cộng Hòa: Nghị sĩ John McCain!
Ông
McCain ghét ông Trump đến nỗi bị bệnh ung thư não vào thời kỳ chót, sắp giã từ
trần thế mà ông cũng không...quên ông Trump và đã cho cả nước biết ông không
muốn ông tổng thống tới dự tang lễ của ông. Ông McCain nói bà Clinton có thể
OK, nhưng Trump thì ông không “welcome”. Ghét chi mà ghét dữ vậy?
Nguyên
do là vì năm 2015, khi ông Trump ra tranh cử vòng sơ bộ của Đảng Cộng Hòa để
được đề cử ra tranh chức tổng thống vào năm sau, một số nhân vật trong Đảng
Cộng Hòa không ủng hộ ông, trong đó có Nghị sĩ John McCain. Chẳng những không
ủng hộ, ông McCain còn đả kích ông Trump với những lời lẽ hơi nặng. Ông Trump đáp
lễ và hai bên đã lâm chiến trong một cuộc lời qua tiếng lại cứ leo thang dần
mỗi ngày.
Theo
tường thuật của báo chí Mỹ, ngày 18.7.2015, trong một cuộc vận động tranh cử
tại Iowa, ông tỉ phú Trump đã “bắn một phát” vào lòng tự hào của ông Nghị sĩ
McCain được xem như một anh hùng trở về từ chiến trường Việt Nam: “Ông ấy không
phải là một anh hùng trong chiến tranh. Ông ấy đã là một anh hùng trong chiến
tranh vì ông ấy đã bị bắt. Tôi thích những người đã không để cho bị bắt.” Dù
sau đó, ông Trump đã cải chính rằng ông không có nói như vậy và thêm: “Khi một
người (lính bị bắt) cầm tù. Tôi coi người ấy là một anh hùng trong chiến
tranh.” Nhưng vô hiệu. Ông
McCain anh hùng vẫn không tha thứ!
Đúng
là một “phát súng không có tiếng nổ và viên đạn vô hình” đã trúng mục tiêu
khiến từ đó ông McCain đã “không quên” ông Trump trong suốt cuộc đời còn lại,
trong khi đối với Cộng sản Bắc Việt, kẻ thù trong chiến tranh đã bắn hạ chiếc
A-4 Skyhawk của phi công McCain trên vùng trời Hà-Nội năm 1967 và giam nhốt,
hành hạ ông trong 6 năm (1967-1973), ông cũng không hận thù và sau khi trở
thành dân biểu rồi nghị sĩ, ông đã thúc đẩy chính quyền Mỹ thiết lập bang giao
với CS Hà-Nội, biến thù thành bạn.
Vậy
mà chỉ vì một câu nói của ông Trump trong mùa tranh cử nóng bỏng mà ông không
bao giờ có thể tha thứ và hòa giải, dù hai người cùng phục vụ nước Mỹ trên
chính trường, và cùng đảng với nhau, người lập pháp, kẻ hành pháp.
Ai bảo ông Trump ăn nói
bộp chộp, ẩu tả thì cần phải suy nghĩ lại. Và những ai từng “coi nhẹ” ông Trump
(dù ông ta cân nặng 239 pounds), kể cả một số người trong giới được coi là
“tinh hoa” (elite) của đảng Cộng Hòa, cũng cần xét lại xem có xứng đáng
với cái danh xưng cao ngạo ấy hay không.
Cuối cùng, chính Tổng
thống Trump cũng nên tự xét lại mình và thành thật thú nhận khi ấy mình cũng
chưa đủ tự tin và chưa…khôn lắm. Nếu đủ tự tin, và khôn hơn, ông Trump đã không
“bắn phát súng” tai hại ấy vào ông McCain. Thật vậy, nếu khi ấy ông
Trump tin chắc rằng mình sẽ thắng cuộc bầu
cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa và sẽ đánh bại luôn bà Hillary của đảng Dân Chủ để trở thành tổng thống thứ
45 của Hoa Kỳ, và nếu cao tay ấn hơn thì ông phải nghĩ đến ngày ông vào ngồi trong Văn phòng Bầu dục Tòa Bạch
Ốc và cần một đồng minh có hạng ở Thượng Viện, hơn là nói một câu chỉ sướng
miệng mình trong giây phút và tạo ra một kẻ thù không cần thiết với lá phiếu
quan trọng trong tay cho tới ngày nay.
Hậu quả là từ khi ông
Trump trở thành tổng thống Hoa Kỳ, lá phiếu của Nghị sĩ John McCain đã luôn
luôn là một trở ngại cho ông tổng thống muốn thực hiện lời hứa với cử tri: “Làm
cho nước Mỹ lại vĩ đại” như xưa. Không chỉ sử dụng lá phiếu để chống lại ông
tổng thống của đảng mình, Nghị sĩ McCain tiếp tục công kích ông Trump và đả phá
những đường lối và chính sách của tổng thống trước diễn đàn Quốc Hội và trên
báo chí. Bằng chứng rõ rệt nhất là dự luật hủy bỏ và thay thế Obamacare đã được
Hạ Viện thông qua, khi lên
Thượng viện bị lá phiếu của Nghị sĩ McCain giết chết vào phút chót mà ông nói
là ông đã làm theo lương tâm và lẽ phải.
Nhiều người, bạn cũng
như thù, đã chê ông Trump là “tay ngang”, không có kinh nghiệm về chính trị
cũng có phần đúng.. Và từ khi dấn thân vào chính trường nước Mỹ, ông đã học hỏi
được nhiều điều hữu ích, như đã bỏ được cái tật tranh cãi lăng nhăng, chỉ phí
thì giờ, chưa kể có khi lại....tự bắn vào chân mình. Nay, sau hơn một năm dọn
vào Bạch Cung, ông Trump trông ra vẻ… tổng thống hơn, và khôn hơn!
Mới đây, James Comey,
cựu giám đốc FBI, đã xuất bản cuốn sách “A Higher Loyalty”, trong đó “nói hết”
những cái xấu (?) của ông Trump để trả thù vì đã bị ông tổng thống sa thải bất
ngờ. Cả đến việc chiều cao ông Trump thấp hơn Comey 5 in. cũng được viết ra với
đầy tự hào.. Người đọc khách quan đã đánh giá “thấp” tác giả, và chắc nhiều
người đã không tránh khỏi liên tưởng tới chuyện Hoàng đế Napoléon của nước Pháp
ngày xưa, một thiên tài quân sự và hơi “thiếu thước tấc”. Một hôm có kẻ nào đó
trong đám quần thần đã tâu với Napoléon rằng các quan trong Nhiếp Chính Viện
đều cao hơn Hoàng đế. Napoléon thản nhiên đáp: “Những người đó dài hơn ta chứ
không cao hơn ta!”
Tổng thống Trump, “dài”
6ft3, đã im lặng, không bắt chước Napoléon để dạy cho Comey một bài học. Ông đã
“khôn” hơn khi mới tập tễnh bước vào nơi chính trường đầy gió tanh mưa máu!
Và ông Trump cũng đã im
lặng trong lúc thiên hạ làm ồn cả lên về vụ ông McCain không muốn “thấy” ông
Trump trong số người tới tiễn chân ông rời khỏi chốn trần ai đầy khổ lụy này.
Mà nếu không im lặng, ông Trump có thể nói gì? Nhiều lắm, đại khái: “Ơ hay, nhờ
ông nhắc tôi mới nhớ, đâu có cái lệ tổng thống phải đi dự đám tang một nghị sĩ
nhỉ! Xin ngài cứ yên tâm.”
Vụ ông McCain “cấm cửa”
ông Trump chưa êm thì lại tới vụ “tin mật” trong một cuộc họp của Văn phòng Tòa
Bạch Ốc bị rò rỉ ra ngoài cho báo chí, và truyền thông báo chí lại được dịp
ngưng mọi chương trình để loan “tin nổ”: “Tòa Bạch Ốc nói dù sao lá phiếu của
McCain cũng không thành vấn đề vì ông ta sắp chết rồi!” Trump ghê tởm chưa!
Thiếu văn hóa chưa! Vô giáo dục chưa! Và, bàn ngang tán dọc, phê phán, lên án,
đòi Bạch Cung phải xin lỗi…
Số là vì tình trạng sức
khỏe không cho phép, mấy tháng nay Nghị sĩ John McCain không tới Thượng Viện.
Không tới Thượng Viện không có nghĩa là không có ý kiến và không bỏ phiếu. Gần đây ông McCain đã lên tiếng cho biết ông
sẽ bỏ phiếu chống việc ông Trump đề cử bà Gina Haspel làm giám đốc cơ quan tình
báo CIA, thay thế ông Pompeo vừa được bổ nhiệm làm ngoại trưởng. Trong một cuộc
họp sau đó của nhân viên Văn Phòng Tòa Bạch Ốc, khi bàn về vấn đề này, bà
Kelley Sadler, một phụ tá truyền thông, góp ý rằng lá phiếu của ông McCain
không thành vấn đề vì ông ấy sắp chết rồi.
Và,
khi câu nói vô tình trong nội bộ bị rò rỉ ra ngoài đã tạo ra một cơn bão truyền
thông kéo dài cho đến nay, sau khi bà Haspel đã được Thượng Viện chấp nhận làm
giám đốc CIA, và bà Sadler đã xin lỗi gia đình ông McCain với tư cách riêng.
Nhưng nhiều người vẫn lên tiếng áp lực Tòa Bạch Ốc phải chính thức xin lỗi ông
McCain. Trong đó có cả vài người thuộc đảng Cộng Hòa. Vụ này có lẽ sẽ còn kéo
dài cho đến khi nào kẻ đưa tin ra ngoài bị lộ mặt.
Chính
quyền của ông Trump đã bị nạn “rò rỉ” tin nội bộ ra ngoài ngay từ lúc nhận bàn
giao và những kẻ ném đá giấu tay có mặt ở mọi nơi, từ Tòa Bạch Ốc tới các cơ
quan trung ương, đã tạo thành một thứ được gọi là “deep state” (quyền lực ngầm)
nhằm mục đích phá hoại guồng máy hành chánh của ông Trump. Ngay từ tháng 11 năm
ngoái, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions cho biết đã mở 27 cuộc điều tra về sự
tiết lộ tin mật ra ngoài, trong lúc Bộ Trưởng Báo chí Tòa Bạch Ốc khi ấy là
Sean Spicer đã ra lệnh kiểm tra bất thường điện thoại cầm tay của nhân viên để
phát hiện những kẻ lộ tin nội bộ ra ngoài. Vụ “deep state” này hứa hẹn sẽ nổ
lớn, rất lớn.
Vụ
“Lá phiếu của McCain không thành vấn đề vì ông ấy sắp chết rồi” chỉ là một đòn
bẩn của quyền lực ngầm không nhằm xúc phạm ông nghị sĩ bệnh hoạn đang chờ chết
nhưng mục tiêu thực sự là ném một hòn đá vào sau lưng ông Trump, và có thể cả
bà Sadler nữa. Hãy nghe Nghị sĩ Lindsey Graham, một bạn đồng viện với Nghị sĩ
John McCain, nói trên “Face the Nation” của CBS News (Chủ nhật, 13.5.2018):
“John McCain có thể bị chỉ trích vì bất cứ quyết định chính trị nào mà ông đã
làm, hay bất cứ lá phiếu nào mà ông đã bỏ, nhưng ông ta là một anh hùng của
người Mỹ. Và tôi nghĩ mọi người Mỹ muốn thấy chánh quyền Trump xử sự đúng hơn
trong tình huống như thế này. Nó không làm tổn thương gì “you” cả để làm điều
phải và trở nên vĩ đại.” Bọn “deep state” đang cười thầm đắc chí trong bóng
tối!
Thế
thì John McCain có phải là một anh hùng thật hay không? Joe Lieberman, cựu nghị
sĩ, bạn rất thân và rất ngưỡng mộ John McCain, có viết một bài về ông đăng trên
Nguyệt san NEWSMAX, số ra tháng 12, 2017, mang tựa đề “John McCain, A Most
Remarkable American”. Không kể ảnh John McCain ngoài bìa, qua 14 trang báo, với
rất nhiều hình ảnh ông McCain qua mọi giai đoạn, từ năm 1936 được ôm ngồi trên
đùi ông nội, Đô đốc John S. McCain, đến tấm ảnh cuối cùng chụp tại Điện Capitol
vào tháng 7, 2017, tác giả đã hết lời ca ngợi người bạn mình, nhưng không hề
gọi John McCain là một “anh hùng” và cũng tránh không nói tới vụ xung đột giữa
McCain và Trump.
Trong bộ phim tài liệu
mới nhất tựa đề “John McCain: For Whom the Bell Tolls” vừa được phổ biến, ông
John McCain nói với Đạo diễn Peter Kunhardt trong một cuộc phỏng vấn thu hình
tại tư gia ở Sedona, Arizona: “Tôi muốn dân Mỹ coi tôi là một con người và tôi
không phải là một ‘maverick’, và tôi đã làm những điều sai lầm”.
Có lẽ đây là lời chân
thật nhất mà ông McCain đã nói từ trước tới nay. Tại Quốc Hội Mỹ, nơi ông đã
góp mặt trong ba thập niên, John McCain được coi như một “maverick” của
đảng Cộng Hòa, một nghị sĩ với tinh thần độc lập, không bị trói buộc vào đảng
và có thể hợp tác với người khác đảng trong những công việc thích hợp với ông.
Xin mở ngoặc để nói sơ về nguồn gốc của danh từ ngộ nghĩnh này. Maverick nguyên
thủy là tên riêng của một chủ trại chăn nuôi ở Texas: Samuel Maverick. Vì ông
Maverick không đóng dấu riêng trên lưng những con bò của mình nên về sau danh
từ này trở thành danh từ chung để chỉ những con bò không có đóng dấu của chủ.
Sau đó, danh từ này được dùng trong lãnh vực chính trị để gọi những nhà chính
trị có tinh thần độc lập như John McCain. Nhưng tại sao trong vế ở trên trong
câu nói với người phỏng vấn, ông McCain lại khẳng định mình là một con người,
vậy thì chữ “maverick” trong vế thứ hai phải là một “con vật”, một con bò không
đóng dấu! Một câu nói khiêm tốn ngụ ý châm biến cay đắng.
Có
lẽ là một thiếu sót lớn nếu không nói tới những liên hệ của John McCain với
người Việt Nam, vì chính Việt Nam đã nằm trong trái tim ông, sau nước Mỹ, và
chính Việt Nam đã làm thành một phần đời của John McCain và là nguyên nhân của
những tranh cãi hiện nay, về phía người Mỹ cũng như người Việt tại Mỹ, đặc biệt
giới cựu tù cải tạo sau khi chiến tranh chấm dứt.
Sau khi John McCain được
ra khỏi nhà tù ở Hà-Nội và trở về Mỹ năm 1973 không có nghĩa là ông chấm dứt
mọi liên hệ tới Việt Nam. Trái lại, với tư cách nghị sĩ, ông rất quan tâm tới
vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và việc tái định cư cựu tù cải tạo. John McCain
có một liên hệ khá mật thiết với bà Khúc Minh Thơ, chủ tịch Hội Gia Đình Tù
Nhân Chính Trị VN (FVPPA), và đã giúp nhiều trong việc thi hành Chương Trình
HO, trong đó có Tu Chính Án McCain năm 1997 mà nhờ đó những người con trên 21
tuổi của cựu tù cải tạo và vợ con những người đã chết trong tù cũng được sang
Mỹ.
Có một chuyện hầu như
không còn được ai nói tới nhưng có lẽ đã để lại một nỗi buồn trong lòng John
McCain mà ông không bao giờ quên. Cũng vì quan tâm đặc biệt tới Việt Nam sau
chiến tranh mà ông đã cùng với Đoàn Văn Toại, một sinh viên phản chiến thân
cộng ở Sài-Gòn trước đây nhưng sau 75 đã mở mắt, lập ra Indochina Institute với mục đích không rõ ràng
và Đoàn Văn Toại đã bị bắn trọng thương tại California sau khi dự một cuộc hội
thảo chính trị về VN tại Washington do ông McCain tổ chức. Có lẽ đó là một
trong “những việc làm sai lầm” mà ông đã thú nhận trong “John McCain: For Whom
the Bell Tolls”. Và, ông cũng muốn dân Mỹ hãy nhìn ông như một con người.
Một con người mà trong
suốt cuộc đời bình thường va tầm thường đã làm được một việc phi thường thì
cũng đáng gọi là “anh hùng”. John McCain đã làm được hai việc phi thường.
Một, là con và cháu của
hai Đô Đốc Hải Quân Mỹ mà đã không tìm cách trốn
tránh khỏi sang Việt Nam tham chiến, và ông đã thi hành 20 phi vụ oanh tạc Bắc
Việt trước khi bị bắn rơi.
Hai, trong khi McCain bị
giam tại Hà-Nội, CSBV biết ông là con của Đô Đốc John S. McCain, Tư lệnh của
Hải Quân Mỹ tại VN (1968-72), đề nghị trả tự do sớm cho ông. Biết kẻ thù sẽ
dùng sự biệt đãi ông vào mục đích tuyên truyền và sẽ là một cú năng đánh vào
tinh thần những đồng đội còn ở lại trong tù, McCain đồng ý được ra khỏi nhà tù sớm
với một điều kiện: tất cả tù nhân bị bắt trước ông cũng được phóng thích cùng
một lúc với ông, dù ông biết điều kiện ấy sẽ không được chấp thuận.
Trong
một đất nước mà một cầu thủ bóng cà-na xuất sắc cũng được gọi là “anh hùng” thì
với hai hành động “phi thường” như trên, gọi John McCain là anh hùng (không
trong ngoặc kép) tưởng cũng không phải là quá đáng.
Ký
Thiệt
(Đời
Nay ra ngày 1.6.2018)
John McCain: giờ của sự thật
__._,_.___
No comments:
Post a Comment