TT Obama tặng cần câu và gởi hai
thông điệp quan trọng
Âu Dương
Thệ (Danlambao) - Trên đường sang Nhật dự Hội nghị cấp cao G7 vào cuối tháng 5
Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Obama lần đầu tiên đã ghé thăm VN từ 23. tới 25.5. Trong
các cuộc hội đàm với những người cầm đầu chế độ toàn trị TT Obama đã thông báo,
từ nay Mĩ bãi bỏ cấm vận võ khí sát thương cho VN với những điều kiện nhất
định. Ông cũng lưu ý họ là phải tôn trọng những giá trị phổ cập về nhân quyền: "Tôi cho rằng việc thúc đẩy các quyền
này [tự do kinh tế, tự do ngôn luận, tự do chính trị, tự do tôn giáo và tự
do lập hội và hội họp] không phải
là mối đe dọa đối với sự ổn định, mà thực ra là củng cố sự ổn định và là nền
tảng cho sự tiến bộ."(1)
Hướng về nhân dân VN, đặc biệt những người trẻ
và trí thức VN, TT Obama nhận là người bạn của VN, đã chân thật gởi gấm tấm
lòng tới dân tộc ta: "Cuối
cùng, tương lai của Việt Nam sẽ được quyết định bởi chính người dân Việt Nam."(2)
Ông rất tin tưởng là một tương lai không xa VN sẽ đồng hành cùng với các nước
văn minh, các xã hội Dân chủ đa nguyên và Hoa Kỳ là bạn đồng hành của VN: "Việt Nam đã có có tất cả những thành
tố cần thiết để phát triển. Vận mệnh của bạn là trong tay của bạn. Đây là thời
điểm của bạn. Và khi bạn theo đuổi tương lai mà bạn muốn, tôi muốn bạn biết
rằng, Hoa Kỳ sẽ ở đó bên bạn như là đối tác của bạn và là bạn của bạn."(3)
Hai thông điệp quan trọng với nhiều ý nghĩa của
TT Obama, một gởi cho những người cầm đầu chế độ toàn trị và một gởi tới toàn
thể nhân dân VN, được truyền hình trực tiếp ngày 24.5 nói lên những điều gì? Và
việc siêu cường Mĩ hủy bỏ cấm vận võ khí sát thương với VN có thể ví như người
tặng cần câu. Cần phải hiểu ý nghĩa của việc quan trọng này như thế nào?
Hai thông điệp quan trọng nhấn mạnh hai mặt của một vấn đề
Trong buổi nói chuyện tại Trung tâm Hội nghị
quốc gia Mỹ Đình ngày 24.5.16 trước 2000 thính giả đa số là người trẻ -trong đó
có cả chuyên viên, trí thức và doanh nhân VN- được truyền hình trực tiếp (4),
TT Obama đã đưa ra phản biện chống lại những lập luận của nhóm cầm đầu chế độ
toàn trị vẫn khăng khăng bào chữa là, nếu để tự do dân chủ sẽ đưa đến hỗn loạn
làm bất ổn định chinh trị! Bằng những dẫn chứng ở Mỹ và nhiều nơi trên thế
giới, ông Obama đã chứng minh, chính ở những nơi nào các quyền tự do dân chủ
căn bản, như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do chính trị (tranh cử và bầu
cử), tự do tôn giáo, tự do hội họp và lập hội thì những nơi đó sự ổn định chính
trị được củng cố, kinh tế phát triển và xã hội văn minh. Vì khi đó những người
cầm quyền luôn luôn phải ý thức trách nhiệm về những việc mình làm, không dám
lạm quyền và tham nhũng, không dám đàn áp dân; đồng thời khiến cho các công dân
thuộc mọi giới, mọi thành phần trong xã hội quan tâm theo dõi và tham gia trực
tiếp vào cộng đồng. Nhờ đó xã hội mở ra những cơ hội đồng đều, minh bạch, tạo
ra những cạnh tranh lành mạnh từ trong kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội.
Mọi người đều cảm thấy và tự hào có phần đóng góp của mình. Đó là chìa khóa cho
phát triển liên tục và ổn định bền vững của toàn xã hội:
"Khi có quyền tự do biểu đạt và tự do
ngôn luận, và khi người dân có thể chia sẻ ý tưởng và tiếp cận internet và mạng
xã hội mà không bị cấm đoán, điều đó sẽ tạo đà cho đổi mới sáng tạo mà các nền
kinh tế cần để có thể vươn lên. Đó là nơi nảy ra những ý tưởng mới. Đó chính là
cách thức khởi đầu của Facebook. Đó chính là cách thức mà nhiều trong số những
công ty vĩ đại nhất của chúng tôi đã khởi nghiệp – nhờ ai đó có ý tưởng mới. Ý
tưởng khác biệt. Và họ có thể chia sẻ ý tưởng đó. Khi có tự do báo chí – khi
nhà báo và blogger có thể vạch trần những bất công và lạm dụng – điều đó sẽ
buộc các quan chức phải có trách nhiệm và sẽ xây dựng niềm tin của người dân để
hệ thống có thể hoạt động. Khi các ứng viên có thể chạy đua vào các vị trí và
tranh cử tự do, và cử tri có thể lựa chọn những người lãnh đạo của mình trong
các cuộc bầu cử tự do và công bằng thì điều đó sẽ làm cho các quốc gia ổn định
hơn, bởi vì người dân biết rằng tiếng nói của họ được lắng nghe và rằng những
thay đổi một cách hòa bình là điều có thể. Và điều đó sẽ đưa những con người
mới vào hệ thống.
Khi có quyền tự do tôn giáo, thì điều đó không chỉ cho phép người
dân được bày tỏ đầy đủ tình yêu và đam mê vốn là giá trị cốt lõi của tất cả mọi
tôn giáo lớn, mà còn cho phép các nhóm đức tin phục vụ cộng đồng của họ thông
qua trường học và bệnh viện, và chăm sóc người nghèo và người dễ bị tổn thương.
Và khi có quyền tự do hội họp – khi người dân được tự do tổ chức xã hội dân sự
- thì các quốc gia sẽ giải quyết tốt hơn các thách thức mà chính phủ đôi khi
không thể tự mình giải quyết. Do vậy, tôi cho rằng việc thúc đẩy các quyền này
không phải là mối đe dọa đối với sự ổn định, mà thực ra là củng cố sự ổn định
và là nền tảng cho sự tiến bộ."(5)
Bằng một sự khiêm nhường rất quí, TT Obama xác
nhận là, mặc dầu nền Dân chủ đa nguyên của Hoa Kỳ đã trải qua trên 200 năm,
nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết; và ngay chính ông vẫn phải nghe
những lời chí trích và phê bình từ nhiều phía. Nhưng ông không cảm thấy khó
chịu, trái lại còn coi đó là động lực để cải thiện và phát triển cho chính ông
và xã hội Mỹ:
"Nhưng chính sự giám sát đó, những
cuộc tranh luận công khai, chỉ ra những điểm không hoàn hảo của chúng tôi, và
cho phép tất cả mọi người có tiếng nói đã giúp chúng tôi phát triển mạnh mẽ
hơn, thịnh vượng hơn và công bằng hơn."(6)
Ông nhấn mạnh thêm, "những quyền mà tôi nói đây, tôi tin
rằng không phải các giá trị Mỹ, tôi nghĩ đó là giá trị phổ quát được minh định
trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền."
Nội dung của hai thông điệp này TT Obama cũng đã
lập lại sau cuộc gặp một số Nhà lãnh đạo xã hội dân sự Việt Nam. Mặc dầu chế độ
Nguyễn Phú Trọng đã tỏ ra thiếu ngoại giao với quốc khách và thiếu văn hóa với
dân mình khi ra lệnh cấm cản, thậm chí bắt cóc một số người được mời, nhưng TT
Obama vẫn nhã nhặn và nghiêm túc nhắn nhủ:
"Tôi hy vọng rằng Chính phủ Việt Nam…
sẽ ngày càng tin tưởng hơn rằng, người dân muốn được phối hợp với nhau, nhưng
cũng muốn có khả năng được tụ họp và tham gia vào đời sống xã hội theo cách
thức đem lại những điều tốt đẹp cho tất cả mọi người về lâu về dài."(7)
Hướng về các công dân VN đang can đảm dấn thân tranh đấu cho một nước VN mới,
vì họ ý thức rằng "không
phải đương nhiên sẽ xảy ra"(8), TT Mỹ tỏ lòng ngưỡng mộ:
"Tôi cảm ơn tất cả các bạn vì đã thực
hiện những công việc đầy dũng cảm và tôi muốn các bạn biết rằng, các bạn sẽ
tiếp tục có một người bạn là Hoa Kỳ, bởi vì chúng tôi cho rằng, những công việc
mà các bạn đang làm là quan trọng ở tất cả mọi nơi." Và "Tôi đánh giá rất cao việc làm của
các bạn".(9)
Như vậy thật là rất rõ ràng, trong các cuộc tiếp
xúc với những người cầm đầu chế độ toàn trị, nói chuyện với nhân dân VN và gặp
gỡ những người hoạt động dân chủ trong chuyến thăm VN, TT Obama đã nhắc nhở
nhóm cầm đầu CSVN phải tôn trọng các quyền tự do căn bản của nhân dân và tỏ
lòng ngưỡng mộ dân tộc VN - đi đầu là trí thức, thanh niên và cả những đảng
viên tiến bộ- đang can đảm dấn thân đấu tranh cho một nước VN mới. Điều này cho
thấy mặc dù phát biểu bằng ngôn ngữ ngoại giao, nhưng thiện cảm và lập trường
của TT Obama rất rõ ràng là đứng về phía nhân dân VN đang bị đàn áp và ngưỡng
mộ trước thái độ không ngồi chờ sung rụng, hay "không phải đương nhiên sẽ xảy ra"
mà là ý chí quyết xé rào chính trị độc tài, đang quyết tâm tranh đấu cho một VN
dân chủ, tự do và phú cường!
TT Obama tặng cần câu
Trong những năm gần đây nhiều chiến lược gia
trên thế giới đều có một nhận định chung, từ khi Tập Cận Bình cầm đầu ĐCS Trung
Quốc và Chủ tịch nước Trung (2012), do tham vọng quyền lực ông đã
theo đuổi chính sách, bên trong đàn áp địch thủ ngay trong đảng và đàn áp
trí thức và nhân dân, bên ngoài thực hiện chủ trương dân tộc quá khích với việc
giương cao khẩu hiệu "Thực
hiện giấc mơ vĩ đại Trung Quốc" và ru ngủ các nước láng giềng
bằng "Đường tơ lụa trên biển"!
Ngay trên biển Đông, trái với những sự khờ khạo
và thái độ nhu nhược của nhóm cầm đầu CSVN, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng, đã
từng tuyên bố ngớ ngẩn và cực kì thiếu trách nhiệm là "tình hình biển Đông không có gì mới",
Tập Cận Bình càng lấn áp thêm, ngang ngược thực hiện công khai coi biển Đông
như cái ao của Trung Quốc. Từ cho các tầu hải quân Trung Quốc đánh
phá và ngăn cản các tầu thăm dò dầu khí của VN ngay trên thềm lục địa
VN (2011-2012)(10), tới việc coi thường VN và thách đố khu vực và thế giới qua
việc cho hàng trăm tầu hải quân và hải giám Trung Quốc hộ tống giàn
khoan khổng lồ HD 981 ngay trên lãnh hải VN (2014). Chẳng những thế Tập
Cận Bình còn không thèm nói chuyện với Nguyễn Phú Trọng. Bất chấp những phản
đối của các nước trong khu vực và quốc tế, trong vài năm gần đây họ Tập còn nỗ
lực cải tạo các đảo chiếm đóng của VN, Phi luật tân… thành những căn cứ quân
sự, lập phi trường và hải cảng, biến các đảo này thành những "hàng không mẫu hạm không chìm"
của Trung Quốc để khống chế và kiểm soát toàn biển Đông, con đường
hàng hải quốc tế rất quan trọng của thế giới!
Trước khi Hoa Kỳ trở thành một siêu cường về
quân sự và kinh tế, nước này đã từng là cường quốc về hải quân. Để bảo vệ tự do
hàng hải nên Mỹ đã phải nhảy vào Thế chiến I và II. Từ trước tới nay Hoa Kỳ có
quyền lợi sinh tử về an ninh và kinh tế trên Thái bình dương. Ngoài ra, Hoa Kỳ
còn có trách nhiệm với các đồng minh chính trong khu vực như Nhật, Nam Hàn, Phi
luật tân, Úc… Trước chủ trương bành trướng phiêu lưu bằng quân sự để thực hiện
chủ nghĩa dân tộc quá khích của Bắc kinh, nên từ 2011 chính quyền Obama đã đưa
ra chủ thuyết an ninh mới ở Châu Á-Thái bình dương, đó là chủ trương xoay trục
an ninh của Hoa Kỳ từ Âu châu sang Cháu Á-Thái bình dương. Sách lược chuyển
trục mới của Hoa Kỳ có mục tiêu ưu tiên là bảo vệ đường hàng hải quốc tế xuyên
qua biển Đông, bảo vệ các đồng minh của Mỹ trong khu vực và răn đe, ngăn chặn
chính quyền Bắc kinh không được phiêu lưu quân sự…!
Nằm dọc trên biển Đông với khoảng 3000 km duyên
hải, nên về mặt địa lí chính trị VN như cái xương sống trong chiến lược an ninh
xoay trục sang châu Á-Thái bình dương của Hoa Kỳ. Nếu Bắc kinh khống chế được
VN thì chủ thuyết an ninh châu Á-Thái bình dương của Obama khó thực hiện được.
Nhưng VN dưới chế độ CS từng là cựu thù của Mỹ. Mặt khác, chế độ toàn trị ở VN
là trở ngại rất lớn trong việc hợp tác an ninh chiến lược giữa hai nước. Đó là
những khó khăn lớn để Việt-Mỹ trở thành đồng minh với nhau trong lúc này. Nhưng
những đe dọa trực tiếp và liên tiếp của Bắc kinh ngay trên thềm lục địa VN và
trên toàn biển Đông gây ra áp lực ngày càng mạnh trong đảng và trong nhân dân
đòi phải có thái độ độc lập về chính trị và kinh tế với Bắc kinh. Vì thế giữa
năm 2015 Nguyễn Phú Trọng đã sang thăm Hoa Kỳ lần đầu để thảo luận
với TT Obama hai chủ đề quan trọng là tham gia Hiệp ước Hợp tác xuyên Thái
Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP) và yêu cầu Mỹ bãi bỏ cấm vận vũ khí
sát thương cho VN. Nhưng mục tiêu của chuyến đi này của Nguyễn Phú Trọng là gây
lại uy thế để mong được tái cử làm Tổng bí thư và loại Nguyễn Tấn Dũng tại Đại
hội 12 vào đầu năm 2016 (11).
Để chứng tỏ ý chí quyết ngăn chặn ý đồ đen tối
và nguy hiểm của Bắc kinh, trong thời gian qua chính Hoa Kỳ đã cho
một số chiến hạm và máy bay quân sự trực tiếp tiến vào các đảo Bắc kinh
chiếm giữ. Không những thế, Mỹ cũng đang tăng cường sự hiện hiện quân sự ở khu
vực này, đồng thời cùng với các nước đồng minh và thân hữu tổ chức các cuộc
thao diễn quân sự. Đáng chú ý nữa là sau khi rời VN TT Obama đã tham dự Hội
nghị Cấp cao G7 ở Nhật để cùng 6 cường quốc khác bàn về tình hình kinh tế tài
chính, làn sóng tị nạn từ Bắc phi sang Âu châu… và đặc biệt cả tình hình an
ninh căng thẳng ở biển Hoa Đông và biển Đông do chính sách phiêu lưu của Bắc
kinh. Đây là lần đầu tiên vấn đề biển Đông trở thành một nghị trình tại Hội
nghị Cấp cao G7 và như vậy cuộc tranh chấp này đã thực sự được quốc tế hóa,
trái với yêu sách của Bắc kinh là chỉ muốn thảo luận song phương. Chính vì thế
Bắc kinh rất bối rối và tức giận.(12)
Trong khuôn khổ đó, nên ngay ngày đầu tiên tới
VN TT Obama đã thông báo, Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận vũ khí cho VN. Nhưng
trong cuộc họp báo ông đã nói rõ thêm, Mỹ sẽ xét trong từng trường hợp.
Nghĩa là bãi bỏ cấm vận vũ khí có điều kiện. "Cũng giống như với tất cả các đối
tác quốc phòng của chúng tôi, việc bán vũ khí sẽ vẫn cần phải đáp ứng những yêu
cầu khắt khe, bao gồm các yêu cầu liên quan tới nhân quyền." (13) TT
Obama đã nhấn mạnh, tại sao Hoa Kỳ đã đi tới quyết định này. Đó
là bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông chống lại sự bành trước của Bắc kinh:
"Hoa Kỳ và Việt Nam cùng đoàn kết ủng
hộ một trật tự khu vực, trong đó có biển Nam Trung Hoa [biển Đông], nơi các quy tắc và luật lệ quốc tế
được đề cao, nơi có quyền tự do hàng hải và hàng không, nơi thương mại hợp pháp
không bị cản trở, và nơi mà các tranh chấp được giải quyết hòa bình, thông qua
luật pháp, phù hợp với luật pháp quốc tế. Tôi muốn nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp
tục thực hiện quyền tự do hàng hải, hàng không và hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà
luật pháp quốc tế cho phép, và chúng tôi sẽ ủng hộ quyền của các quốc gia được
làm tương tự như vậy."(14)
Trong một số dịp TT Obama còn nhắc lại lịch sử
VN, ông nhắc cả tới câu nói oai hùng của Lý Thường Kiệt, "Sông núi nước Nam vua Nam ở. Rành
rành định phận ở sách trời"(15). Qua đó ông gián tiếp trách nhóm cầm
đầu CSVN rằng, từ ngàn năm trước người dân VN đã biết trân trọng và gìn giữ độc
lập chống xâm lược từ phương Bắc, chứ không phải mới từ thời Hồ Chí Minh. Đối
với đa số người Việt, thực ra nhà cầm quyền hiện nay không đưa VN tới độc lập,
tự chủ thực sự mà lại đã và đang dẫn VN vào lệ thuộc phương Bắc, cụ thể nhất là
từ sau Hội nghị Thành đô 1990! Qua đó TT Obama còn gợi ý với những người cầm
đầu CSVN hiện nay, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng: Hãy từ bỏ thái độ khúm núm
trước Bắc kinh, đi ngược lại lòng dũng cảm của tổ tiên; phải biết bảo vệ biên
cương, hải đảo và biển Đông! Hãy tôn trọng các quyền chính đáng của nhân dân VN
trong việc đấu tranh chống bành trướng của phương Bắc!
Nguyễn Phú Trọng có biết dùng cần câu không?
Như vậy trong thâm tâm khi TT Obama tuyên bố bãi
bỏ cấm vận võ khí sát thương cho VN là Hoa Kỳ muốn giúp nước ta có
thêm điều kiện và phương tiện ngăn cản sự bành trướng của phương Bắc. Việc
làm có ý nghĩa này có thể ví như TT Obama muốn tặng nhân dân VN cái cần câu.
Nhưng hiện nay ĐCSVN, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng, đang nắm vận mệnh dân tộc.
Vì thế câu hỏi rất quan trọng là, liệu Nguyễn Phú Trọng có biết sử dụng cái cần
câu của Hoa Kỳ tặng không? Nghĩa là có biết dùng uy quyền và sức
mạnh của siêu cường Mỹ để ngăn chặn hữu hiệu chính sách bành trướng của Bắc
kinh không? Tất nhiên việc này không nhất thiết phải mở chiến tranh với Trung
Quốc, đây chỉ là hạ sách. Nhưng vấn đề ở đây là, làm thế nào để Bắc kinh
phải ngưng và không dám tiếp tục chủ nghĩa phiêu lưu xâm chiếm biển Đông của
VN, xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ của VN, đồng thời đe dọa đường hàng hải quốc
tế quan trọng?
Muốn mượn sức mạnh của Hoa Kỳ thì phải
có hai điều kiện ắt có và đủ. Đó là được sự hậu thuẫn của cả Hành pháp,
Lập pháp cũng như dư luận của Hoa Kỳ. Đồng thời được sự ủng hộ mạnh
mẽ của các thành phần dân tộc ở VN. Muốn đạt hai điều kiện này thì chế độ
Nguyễn Phú Trọng phải ngừng ngay các biện pháp đàn áp nhân dân, chấm dứt cho
công an côn đồ đe dọa, bắt cóc và hành hung các thanh niên và những trí thức,
chuyên viên. Hiện nay Hoa Kỳ bán võ khí cho 96 nước(16). Do đó
không thể lạc quan tếu là mặc nhiên Hoa Kỳ trở thành đồng minh.
Nguyễn Phú Trọng chớ lầm lẫn, Mỹ bỏ cấm vận võ khí cho VN không phải để ủng hộ
chế độ độc tài toàn trị, đàn áp những người dân chủ, mà là ủng hộ dân tộc VN có
thêm phương tiện tối tân để bảo vệ biển đảo, chủ quyền và độc lập.
Ý nghĩa về quyết định của Washington trong việc
này là mong muốn Hà Nội chấm dứt "tâm lý Thành đô" chỉ mong
làm kiếp "trâu vàng"
(17) cho phương Bắc, quị lụy, nhờ vả. Chủ trương coi thù là "bạn",
"bạn khuyên", "tình
hình biển Đông không có gì mới" và "chỉ đàm phán song phương"
(18). Đó là những phát biểu công khai của chính Nguyễn Phú Trọng trong các Hội
nghị trung ương, Quốc hội và các cuộc gặp với những người cầm đầu Bắc kinh
trong suốt thời gian làm Chủ tịch Quốc hội (2006-11) và Tổng bí thư từ đầu
2011!
Nếu chế độ Nguyễn Phú Trọng dùng vũ khí của Hoa
Kỳ đàn áp nhân dân thì rõ ràng là một tội ác, nhân dân VN không thể
tha thứ; chính phủ, lưỡng viện và dư luận Mỹ không thể làm ngơ và sẽ có những
biện pháp tức thời. Điều này chính TT Obama đã tuyên bố rất rõ trong cuộc họp
báo ngày 23.5 tại Hà Nội với tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang,
một người từng là bộ trưởng Công an và đã biến công an thành lực lượng côn đồ
bạo hành nhân dân. Ngày nay nhiều giới ở VN -đi đầu là trí thức, thanh niên và
các đảng viên tiến bộ- đã trải qua nhiều thử thách, biết rõ tâm đen của Nguyễn
Phú Trọng và những người chung quanh, nên quyết không ngồi chờ sung rụng, đã
quyết phá rào chính trị độc tài. Gần đây nhất là hàng ngàn học sinh, sinh viên,
chuyên viên và nhiều giới khác cùng nhau xuống đường ở nhiều nơi trong suốt ba
Chủ nhật từ đầu tháng 5 vừa qua để đòi "Cá cần nước sạch", "Nước
cần minh bạch"!
Nguyễn Phú Trọng tuy không mang tiếng tham nhũng
tiền bạc, nhưng lại là người tham nhũng quyền lực rất quỉ quyệt. Cao điểm nhất
trong tham nhũng quyền lực của ông Trọng là Đại hội 12, tháng 1.2016 (19). Tham
nhũng quyền lực, trên nhiều mặt, còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng tiền bạc. Ở
chỗ những người này vì muốn giữ quyền lực cao tiếp tục, nên sẵn sàng thỏa hiệp
với các phần tử tham nhũng tiền bạc trong đảng và nhà nước từ trung ương tới
địa phương!
Trong suốt những năm làm Tổng bí thư từ 2011 mọi
hứa hẹn với đảng và nhân dân của Nguyễn Phú Trọng đều thất bại và bị thực tiễn
chứng minh là giả dối. Điều rất chớ trêu là, ông ta vẫn đại thắng trong việc
tranh giành quyền lực tại Đại hội 12. Điều này chứng minh: Chế độ toàn trị hiện
nay chỉ toàn những phần tử tham nhũng quyền lực và tham nhũng tiền bạc. Họ liên
kết và bao che cho nhau như các bọn Mafia!
Một số dẫn chứng quan trọng: Từ nhiều năm qua
đứng đầu Ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng, hết tự phê bình và phê
bình ở các các cấp cao tới phong trào chỉnh đảng, cử các đoàn gồm các ủy viên
BCT đi thanh tra các địa phương và các cơ quan (20), nhưng cuối cùng chính ông
Trọng phải xác nhận tình trạng tham nhũng càng trở nên bất trị và còn thở dài "đánh chuột đừng để vỡ bình!"
Đề cao "tập trung dân chủ",
nhưng trước Đại hội 12 chính Nguyễn Phú Trọng đã lợi dụng chủ trương này để
biến các Hội nghị trung ương và Đại hội trở thành cánh tay dài cho phe cánh của
ông ta để chia nhau nắm giữ quyền lực (21). Kêu gọi mọi người đóng góp ý kiến
sửa đổi Hiến pháp 1992 nhưng khi nhiều chuyên viên và trí thức thành thực kêu
gọi bỏ Điều 4 giữ độc quyền cho ĐCS thì Nguyễn Phú Trọng hồ đồ và cao ngạo chụp
mũ họ là "suy thoái tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống". Vừa qua, chế độ Nguyễn Phú Trọng hô
hoán bầu cử dân chủ và khuyến khích sự ứng cử của các công dân độc lập vào Quốc
hội khóa 14. Nhưng trong các cuộc "họp hiệp thương" ở các
phường, nhiều nhân sĩ dân chủ ra ứng cử đã bị tố khổ, chụp mũ và bị loại!
Nguyễn Phú Trọng thường hô hoán các khẩu hiệu "Dân biết, dân làm, dân kiểm tra"
và "Lấy dân làm gốc".
Nhưng mới đây trong vụ thảm họa môi trường hàng trăm tấn cá bị chết hàng loạt
từ đầu tháng 4.16 chạy từ khu công nghiệp sản xuất thép Formosa ở Vũng áng, Hà
tĩnh tới Quảng bình, Quảng trị, Thừa thiên và Đà nẵng đã làm bàng hoàng và xúc
động trong nhiều giới, kể cả nhiều báo chí lề đảng. Nhưng Nguyễn Phú Trọng vẫn
tỉnh bơ và vô cảm tới thăm Ban giám đốc Formosa và khen ngợi công ty này.
Nguyễn Xuân Phúc hứa công bố kết quả điều tra và nghiêm trị thủ phạm (22).
Nhưng hai tháng đã trôi qua, mọi sự vẫn im lặng một cách đáng sợ đến ghê tởm,
báo chí lề đảng lại bị bịt miệng cấm đăng các tin về thảm họa cá chết. Các cuộc
biểu tình ôn hòa đòi rất chính đáng "Cá cần nước sạch", "Nước
cần minh bạch" của thanh niên, trí thức ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều
thành phố bị đàn áp và chụp mũ là "kẻ xấu", "người phá
rối"! (23)
Chỉ tính những năm Nguyễn Phú Trọng cầm đầu chế
độ đã biết bao nhiêu Hội nghị trung ương, Hội nghị cán bộ toàn quốc, bao nhiêu
Nghị quyết của Bộ chính trị… về chống tham nhũng, chống suy thoái đạo đức, chống
quan liêu cửa quyền… Nhưng trong Hội nghị Dân vận toàn quốc ngày 27.5.16 Nguyễn
Phú Trọng đã phải nhìn nhận các thất bại trong mọi lãnh vực:
"Nhiều năm qua, những hiện tượng cán
bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hóa có chiều hướng gia tăng và ngày càng
nghiêm trọng. Không ít đảng viên vào Đảng không phải để phấn đấu hy sinh cho lý
tưởng của Đảng, cho hạnh phúc của nhân dân, mà là để mưu cầu danh lợi. Một số
người chẳng những không gương mẫu mà còn nêu gương xấu trước quần chúng. Một số
người vô tổ chức, vô kỷ luật, kéo bè kéo cánh, nịnh bợ cấp trên, chèn ép quần
chúng và cấp dưới, cơ hội, thực dụng, gây mất đoàn kết nội bộ. Nhiều người có
quan hệ trực tiếp với vật chất, tiền tài, đã lợi dụng chức quyền và điều kiện
công tác để tham ô, trục lợi, ăn cắp của công, ăn hối lộ, thông đồng với kẻ xấu
để làm giàu bất chính. Điều nghiêm trọng là có không ít cán bộ, đảng viên, kể
cả một số cán bộ cao cấp, bị những ham muốn vật chất cám dỗ, cũng chạy theo
tiền tài, địa vị, sống ích kỷ, buông thả, tự do chủ nghĩa, không còn tư cách
đảng viên." (24)
Chả lẽ ông Trọng không hiểu rằng, chính chế độ
toàn trị đang là mụ đỡ tích cực cho các tệ trạng xã hội trên? Nhưng tại sao ông
vẫn hết lòng cổ súy và bảo vệ nó? Như thế chính ông là thủ phạm gây ra những tệ
trạng này. Vì vậy, nếu còn chút lòng tự trọng thì ông nên rút lui ngay! Vì cớ
gì mà trong Hội nghị này, một mặt ông nhắc lời cảnh cáo của Nguyễn Trãi
"chở thuyền là nước và lật thuyền cũng là nước" để nói về nguy cơ
thực sự hiện nay của chế độ toàn trị; nhưng mặt khác ông vẫn lập lại những khẩu
hiệu suông và vô ích từ nửa thế kỷ nay, và vẫn vô cảm trước những bức xúc của
nhân dân, như vụ cá chết hàng loạt từ đầu tháng 4?
Trong nhiệm vụ bảo vệ biển Đông và gìn giữ chủ
quyền, hơn 5 năm làm Tổng bí thư ông Trọng cũng đã hoàn toàn thất bại. Đáp lại
lời tuyên bố nhu nhược và khờ khạo "Tình hình biển Đông không có gì mới"
khi Nguyễn Phú Trọng còn làm Chủ tịch Quốc hội và không cho Quốc hội được thảo
luận về chủ trương bành trướng của phương Bắc, nên Bắc kinh đã công khai lấn
lướt biến biển Đông thành cái hồ của Trung Quốc, biến các đảo chiếm của VN
thành các căn cứ quân sự trực tiếp đe dọa an ninh và chủ quyền VN, gia
tăng ngăn cản và giết hại ngư dân VN. Nếu trong một xã hội Dân chủ đa nguyên
thì Nguyễn Phú Trọng đã phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và phải từ chức!
Nói tóm lại, tư duy và hành động của Nguyễn Phú
Trọng trong nhiều năm qua trong vai trò đứng đầu chế độ chứng tỏ ông là người
bị bệnh mộng du, lấy giả làm thực! Khúm núm coi Tập Cận Bình, người ra lệnh
giết hại và gây thương tích hàng trăm ngư dân mình, chiếm đóng các đảo của mình
là đồng chí. Chủ nghĩa Marx-Lenin đã bị thực tiễn chứng minh là không tưởng và
tàn bạo, nhưng ông Trọng vẫn thần tượng hóa! Và coi thực là giả: Tập Cận Bình
đang cho nổ phong ba trên biển Đông, nhưng ông Trọng vẫn bảo, "tình hình
biển đông không có gì mới!"
Trong khi ấy, Nguyễn Phú Trọng còn tỏ thái độ xỏ
lá, láu cá với quốc khách và thô lỗ, thiếu văn hóa với dân. Mặc dù Nguyễn Phú
Trọng biết danh sách những người TT Obama mời tham dự trong cuộc họp "Các Nhà lãnh đạo xã hội dân sự Việt
Nam" ngày 24.5, nhưng lại ra lệnh cho công an giở các trò xỏ lá, láu
cá ngăn cản, bắt cóc nhiều người. Sau cuộc họp này TT Obama đã nói thẳng thói
lừa đảo này: "Tôi cũng nhấn
mạnh rằng, có một số nhà hoạt động khác đã được mời song lại bị ngăn cản không
được đến" (25). Thử hỏi trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm trước,
khi ông Trọng gặp đại diện ĐCS Mỹ hay hội đàm với Thượng nghị sĩ Cộng hòa John
McCain, đối lập với đảng Dân chủ của TT Obama, có bị cảnh sát Mỹ cản trở không?
Với tư duy, tư cách và hành động như thế của
Nguyễn Phú Trọng trong những năm qua trong vai trò làm Tổng bí thư cho thấy,
ông Trọng thiếu tầm nhìn sâu rộng thích hợp của thời đại, thiếu lòng bao dung
cởi mở của một chính khách có tầm vóc quốc gia và quốc tế. Cuối cùng ông tự
chứng tỏ chỉ là một thủ lãnh của một nhóm độc tài bảo thủ, đầy tự ti mặc cảm;
tham vọng cao, nhưng khả năng thấp nên phải vận dụng mọi tiểu xảo để thực hiện
bằng được trong tham nhũng quyền lực!
***
Đa số nhân dân ngày càng thấy rất rõ là, "Tâm lí Thành đô" đầy tự ti
mặc cảm, chỉ biết cúi đầu thần phục phương Bắc vẫn là nền tảng suy nghĩ và hành
động của Nguyễn Phú Trọng. Như thế làm sao có thể chờ đợi Nguyễn Phú Trọng biết
sử dụng cái cần câu của TT Obama! Chúng ta biết rằng, quyết định bãi bỏ cấm vận
vũ khí cho VN là cái cần câu TT Hoa Kỳ tặng nhân dân VN để có thêm
phương tiện thích hợp ngăn chặn chủ trương xâm lăng của tân đế quốc Bắc
kinh. Vì thế, để sử dụng cần câu, nghĩa là biết dùng uy quyền, sức mạnh và hậu
thuẫn của siêu cường Hoa Kỳ, thì nhân dân phải biết xé rào chính trị độc
tài để chặn đứng xâm lấn từ phương Bắc. Nghĩa là phải thay đổi chế độ
Nguyễn Phú Trọng, một người cầm đầu chỉ biết qụy lụy kẻ thù Bắc kinh, nhưng lại
gian ác với nhân dân, đánh lừa cả đảng viên!
Trái với chuyến thăm của Tập Cận Bình vào đầu
tháng 11.15 đã diễn ra rất tẻ nhạt, mặc dầu Nguyễn Phú Trọng đã giành những
nghi lễ thượng khách trịnh trọng, nhưng đại đa số nhân dân VN rất lạnh lùng và
lo âu. Trong khi ấy chuyến thăm của TT Obama cuối tháng 5.16 đã được dân chúng
VN đón chào nồng nhiệt, mặc dầu ông Trọng đã cho công an tìm mọi cách cản trở.
Hàng chục ngàn người ở Hà Nội và Sài Gòn đã chào đón và hàng triệu
người đã theo dõi trên truyền hình đầy thiện cảm cuộc nói chuyện của TT
Obama với nhân dân VN ngày 24.5. Qua hai chuyến thăm của Tập Cận Bình và Obama,
mọi người đã chứng kiến thật rõ lòng dân và ý đảng đã hoàn toàn đi ngược chiều
nhau, như đêm với ngày, như đen với trắng! Đại đa số nhân dân VN muốn kết bạn
chân thành với nhân dân Hoa Kỳ, muốn được hưởng các quyền tự do căn bản
trong chính trị, kinh tế, tôn giáo, văn hóa và xã hội như công dân Mỹ;
muốn có một VN mới dân chủ, độc lập và phồn vinh!
Đa số nhân dân VN -đi đầu là từ trí thức, thanh
niên và cả những đảng viên tiến bộ- hiểu rất rõ các thông điệp của TT Obama "Tương lai của VN sẽ được quyết định
bởi chính người dân VN!" "Đây là thời điểm của bạn… Khi bạn
theo đuổi tương lai mà bạn muốn, tôi muốn bạn biết rằng, Hoa Kỳ sẽ ở
đó bên bạn như là đối tác của bạn và là bạn của bạn!" (26) và "Tôi đánh giá rất cao việc làm của
các bạn" (27). Dân tộc VN đang can đảm và kiên trì muốn xây dựng một
nước VN mới, chân thành cám ơn những chia sẻ lo âu và kinh nghiệm, cũng như các
lời khuyến khích nhiệt tình của TT Hoa Kỳ Obama!
3.6.16
__._,_.___
No comments:
Post a Comment